Cập nhật: 15/05/2018 15:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

24 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trên toàn cầu vào năm 2030 nếu các chính sách phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế xanh được đưa ra.

Đây là con số được nêu tại báo cáo “Triển vọng việc làm và các vấn đề xã hội trên thế giới năm 2018: Một nền kinh tế xanh và tạo công ăn việc làm” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm 14/5.

Báo cáo của ILO cho biết những hành động của các nước nhằm kiềm chế sự tăng nhiệt trên toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ giúp tạo thêm đủ việc làm để bù đắp cho 6 triệu việc làm bị cắt giảm ở những khu vực khác.

Những việc làm mới được tạo ra bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn bền vững trong ngành năng lượng, bao gồm những thay đổi trong kết hợp năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng xe điện và nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà.

Các dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm cải tạo đất và làm sạch không khí và nước, kiểm soát dịch hại, thụ phấn và bảo vệ chống lại điều kiện thời tiết khắc nghiệt, duy trì, các hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và du lịch cũng sẽ tạo ra thêm việc làm...

Về việc làm mới (việc làm ròng) theo tính toán của ILO, châu Mỹ sẽ có 3 triệu việc làm, châu Á có 14 triệu và châu Âu có 2 triệu việc làm từ việc áp dụng các biện pháp xanh trong sản xuất và sử dụng năng lượng...

Phó Tổng Giám đốc ILO Deborah Greenfield  cho biết các kết luận của báo cáo nhấn mạnh việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường. Nền kinh tế xanh có thể cho phép thêm hàng triệu người vượt qua đói nghèo và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ này và các thế hệ trong tương lai.

Chính vì vậy ILO kêu gọi các quốc gia phải hành động khẩn cấp để đào tạo người lao động có các kỹ năng đáp ứng được sự chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế cũng như hành động để cung cấp bảo trợ xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi sang công việc mới, góp phần vào công cuộc chống nghèo đói và giảm sự tổn thương của các hộ gia đình và cộng đồng.

Theo Chương trình Môi trường của LHQ, “kinh tế xanh” (Green Economy) là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên.

Kinh tế xanh được thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế như: Nông-lâm-ngư nghiệp, sản xuất, giao thông vận tải, kiến trúc xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch sinh thái và các lĩnh vực khác của đời sống.

Là sự kết hợp giữa 3 thành tố (kinh tế, xã hội, môi trường), kinh tế xanh có tính chất bền vững, nghĩa là những hoạt động trong nền kinh tế tạo ra lợi nhuận hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội, đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường.

Một nền kinh tế xanh là nền kinh tế tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như nạn cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

 

Theo Thanh Xuân/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm