Cập nhật: 16/05/2018 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng có nhiều lý do để tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 15/5, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020".

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày về tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như trực tiếp hỏi-đáp các vấn đề xoay quanh chủ đề này.

Nền kinh tế đang trên đà thuận lợi

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thành tựu nổi bật nhất của năm 2017 là lần đầu tiên sau rất nhiều năm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Quốc hội giao; đạt được kết quả toàn diện, đồng đều trên tất cả lĩnh vực; các khu vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

“Đây là những thành tựu quan trọng nhất và tạo đà thuận lợi để hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra năm 2018, kế hoạch 5 năm 2016-2020, chiến lược 10 năm 2011-2020. Đồng thời, từ đó, tầm vóc, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng lên tầm cao mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế qua nhiều sự kiện được tổ chức thành công như: APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018...

Đồng thời, thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế được cải thiện đáng kể: Chỉ số Môi trường kinh doanh tăng 9 bậc; Chỉ số Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc; Chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc; xếp hạng về triển vọng của Việt Nam được nâng từ mức “ổn định” lên “tích cực”.

“Những thành tựu này có ý nghĩa thiết thực khẳng định nước ta đã lớn mạnh, không còn là nước nhỏ, kém phát triển. Góp phần đưa đất nước tham gia vào ‘sân chơi’ mới của thế giới một cách chủ động. Đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Đây là dấu ấn tích cực sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu”, Bộ trưởng cho biết.

Một thành tựu nữa được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập đến là niềm tin của người dân và cộng đồng DN vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường đem lại không khí phấn khởi, lạc quan, hy vọng vào những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Với triển vọng kinh tế năm 2018, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: “Kết quả phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm hết sức khả quan, kết nối đà phát triển của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, mức cao nhất cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát; CPI bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8% so với năm 2017; thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định; giải ngân vốn FDI đạt 5,1 tỷ USD tăng 6,3%; số DN thành lập mới đạt 41.200 DN với tổng số vốn đăng ký ước đạt 412.000 tỷ đồng; xuất siêu ước đạt 3.3 tỷ USD… “Những con số đáng mừng này là kết quả từ các yếu tố tích cực trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng nhận định.

Cụ thể, trong năm 2018, kinh tế thế giới tiếp tục đà tăng trưởng tốt, thương mại toàn cầu phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng, dự báo sẽ được hưởng lợi từ sự hồi phục của kinh tế thế giới. Nhiều chính sách đổi mới, cải cách trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cùng với đó là tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do… “ Đây cũng chính là những lý do mà chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo”.

GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài khẳng định những bước tiến mạnh mẽ, tích cực của kinh tế Việt Nam thể hiện sự nỗ lực của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.  “Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc sẽ đạt mức 100 tỷ USD. Khi đó Việt Nam sẽ vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc”, ông Mại cho biết.

Khẳng định tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân trong nước trở thành 2 trụ cột là việc làm thiết yếu để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng cần tiếp cục cải cách, thay đổi định hướng thu hút đầu tư nước ngoài để thích ứng với sự phát triển trong giai đoạn và bối cảnh mới, cũng như đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng

“Để tiếp tục duy trì, phát huy những thành tựu, giữ vững đà tăng trưởng còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, tất cả các thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến khu vực nước ngoài. Hiện tại, Chính phủ đã và đang thực hiện những công việc để hiện thực hóa các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng, củng cố niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Công cuộc cải cách thể chế được coi là động lực mang tính nền móng, căn bản đối với tăng trưởng kinh tế. Đây vừa là sự cần thiết phải thay đổi trong bối cảnh có nhiều biến động vừa là yêu cầu bắt buộc để phát triển. Nhiều văn bản luật được ra đời hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng thời tạo thuận lợi để phát huy lợi thế phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững. 

Bộ trưởng nhấn mạnh cần cải cách thể chế theo hướng mới: “Không tự lấy đá lấp dòng chảy sau đó nhận thấy sự cản trở lại dời nó đi và coi đó là cải cách. Đáng lẽ phải làm cho dòng chảy nhanh hơn, đúng định hướng hơn ngay từ đầu. Vì vậy, phải đổi mới mạnh mẽ để không tạo ra những cản trở không đáng có. Đồng thời, những gì đã được xóa bỏ, cải cách không nên quay trở lại tạo nên các rào cản mới. Các cơ quan Nhà nước phải thay đổi mạnh mẽ tư duy này”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định cuộc CMCN 4.0 là cơ hội “ngàn năm có một” giúp các nước đang phát triển thay đổi công nghệ, phương thức, mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng sản xuất… thu hẹp khoảng các với các quốc gia phát triển trên thế giới. “Vì vậy, cần tận dụng tốt thời cơ này để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”.

“Hãy coi khu vực DN FDI là những con ong, vừa hút mật, vừa thụ phấn cho hoa. Thực tế, quả ngọt ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của khu vực này. Để tận dụng lợi thế của DN FDI mà không làm mất đi tính tự chủ kinh tế, cần tiếp tục có các giải pháp căn cơ để khu vực tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, tiệm cận với các tiêu chuẩn của khối FDI. Nếu không thu hẹp khoảng cách đó, không thể liên kết với nhau thì DN nội và DN ngoại sẽ mãi là 2 đường thẳng song song”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Thu Lê/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm