Cập nhật: 19/05/2018 10:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù đã có các quy định, văn bản, thậm chí cả Luật bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả…, nhưng để đối phó với nạn sách giả vẫn đang âm thầm diễn ra trên thị trường, nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành đã phải tìm nhiều cách khác nhau để đối phó.

Các hội sách là cơ hội để độc giả tiếp cận những cuốn sách mình cần với giá rẻ hơn, tránh được sách giả.

Sách giả, hậu quả thật

Sách giả, sách in lậu, sách chất lượng kém trà trộn… lâu nay vẫn là nỗi đau đầu của không ít nhà xuất bản (NXB). Những cuốn sách hot, có số lượng bạn đọc cao luôn là những cuốn chịu nguy cơ sách giả, sách lậu lớn nhất. Sách giả ảnh hưởng trực tiếp đến các NXB, các đơn vị phát hành khi những đơn vị này phải chịu rất nhiều loại chi phí như bản quyền, dịch, nhuận bút, in ấn, quảng bá, phát hành… nhưng lại phải chia thị phần với sách giả. Trong khi đó, sách giả hoàn toàn không phải mất những chi phí kể trên, chỉ mất chi phí in với mức rất thấp bởi chất lượng in sách giả được giảm tối đa để có lợi nhuận cao.

Còn đối với người đọc, trước hết bị ảnh hưởng khi “được” thụ hưởng một sản phẩm kém chất lượng. Ngoài chất lượng in kém, trình bày kém, sách giả còn có khả năng bị bớt xén nội dung hoặc bị làm sai lệch nội dung. Một sản phẩm kém không chỉ đem lại cảm giác bực bội, khó chịu cho người đọc, mà còn có thể khiến cho những thông tin họ cần sử dụng bị sai lệch, ngoài việc mất tiền oan.

Những năm gần đây, việc các hội sách được tổ chức nhiều và rộng rãi giúp cho bạn đọc có nhiều cơ hội tiếp cận với sách giá rẻ hơn, giúp các NXB “đo” được khả năng và nhu cầu của người đọc để điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp. Tuy nhiên, nạn sách giả không mất hẳn đi mà vẫn âm thầm len lỏi trong dòng chảy xuất bản. Trước tình trạng đó, các NXB đã tự tìm cách đối phó và bảo vệ sản phẩm của mình bằng nhiều hình thức.

Làm sách đẹp, sách rẻ để chiếm lĩnh thị trường

Chị Trầm Đặng, đại diện của thương hiệu sách I love Cookbook cho biết: “May mắn cho chúng tôi là sách làm giả thường thường là sách in đen trắng, trong khi sách của chúng tôi phần lớn là sách in màu, giấy cứng, bìa cứng. Sách in đen trắng thường dễ làm nhái hơn vì chỉ cần có phần text là làm được. Tuy nhiên sách của I love Cookbook do đặc thù, thường sử dụng ảnh chất lượng cao, không copy cũng không thể scan được ảnh đủ chất lượng để in sách”.

Với ba dòng sách nấu ăn, thời trang và sách dành cho mẹ và bé, I love Cookbook thường in với chất lượng cao cấp, “có làm giả, làm nhái cũng không có lãi, cho nên chúng tôi tránh được phần lớn tình trạng sách giả” - chị Trầm Đặng cho biết. Ngoài ra, một “mẹo” khác được I love Cookbook áp dụng khá hiệu quả là in bìa mềm đối với sách màu, và in bìa cứng đối với sách in đen trắng. “Chi phí để làm những cuốn sách này rất cao, có làm cũng không có lãi, chính vì thế rất khó có thể làm giả được bất kỳ quyển sách nào của chúng tôi” - Trầm Đặng nói.

Về mặt pháp lý, ngoài việc đăng ký bản quyền cho các sản phẩm sách của mình, I love Cookbook còn đăng ký bảo hộ cả phần hình ảnh. Ngoài ra, khi kết hợp với các nhiếp ảnh gia cung cấp phần hình ảnh cho sách, tự các nhiếp ảnh gia đó cũng bảo hộ hình ảnh của mình.

Sách giá rẻ là cách để các đơn vị xuất bản đối phó với nạn sách giả, sách lậu.

Nâng cao chất lượng sách in cũng là cách mà nhiều NXB khác áp dụng, trong đó có Phụ nữ và Nhã Nam.

Ông Trần Việt Anh, Phó Giám đốc NXB Phụ nữ cho biết, một trong những hình thức đối phó với nạn sách giả, sách lậu là đầu tư cho sản phẩm của mình về bìa, ngoài dán tem chống giả. “Chất lượng in ấn được nâng cao, chất lượng sản phẩm cũng theo đó mà cao hơn, việc làm giả sẽ khó khăn hơn hoặc sản phẩm giả chất lượng quá kém bạn đọc sẽ phân biệt được và có sự lựa chọn. Đó là hình thức hạn chế được in lậu” – ông Việt Anh chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng kế hoạch của Nhã Nam cho biết, làm sách đẹp cũng là cách mà Nhã Nam đối phó với sách giả: “Giữa một cuốn sách in đẹp, giấy đẹp, trình bày đẹp với một cuốn sách xấu xí, màu lam nham, giấy cắt không đều, thậm chí bị mất chữ…, bạn đọc sẽ chọn sách nào?”

Ngoài ra, chiếm lại thị phần với phân khúc sách giá thấp dành cho bạn đọc ít tiền cũng là một cách mà NXB Phụ nữ hiện nay đang áp dụng. Ông Trần Việt Anh cho biết: “Vấn đề ở chỗ mình phải đưa ra được chính sách giá bán thật sự hợp lý, tiệm cận với sức mua của người tiêu dùng, không quá chênh, khi đó sách giả cũng không thể nào làm rẻ hơn được hoặc rẻ hơn không nhiều, từ đó bạn đọc sẽ so sánh”.

NXB Phụ nữ thường chọn cách in thêm các phiên bản sách đen trắng cùng với các phiên bản màu để có giá thành thấp hơn, phục vụ bạn đọc ít tiền. “Thậm chí có những lúc chúng tôi xác định chỉ cần bù đủ chi phí ở những phiên bản giá thấp như vậy, chủ yếu để lấp chỗ trống trên thị trường, không tạo cơ hội cho sách giả xâm chiếm. “Chúng tôi phải tính toán lượng sách luôn phủ trên thị trường, không để trống, vì khi cung không đủ cầu, sách giả, sách lậu sẽ ngay lập tức đáp ứng nhu cầu bạn đọc”.

Mong một chế tài mạnh mẽ hơn

Trong trường hợp bị làm giả, hoặc làm nhái sách, mỗi đơn vị phát hành tự tìm một cách xử lý khác nhau. Chị Đặng Trầm cho biết, I love Cookbook thường tự thỏa thuận với nơi làm sách giả. “Chúng tôi cũng mong có chế tài mạnh mẽ và chặt chẽ hơn bảo vệ quyền lợi cho những người làm sách thật”. Còn Phó Giám đốc NXB Phụ nữ Trần Việt Anh chia sẻ: “Khi phát hiện ra sách giả, chúng tôi luôn liên hệ với các cơ quan chức năng để có hướng xử lý. Ngoài ra chúng tôi cũng còn một cách nữa là trông chờ vào “lòng trắc ẩn” của bạn đọc, kêu gọi bạn đọc mua sách thật, đừng vì rẻ mà “bóp chết” ngành xuất bản, làm mất đi động lực làm việc và ảnh hưởng trực tiếp đến các tác giả, dịch giả, biên tập viên, họa sĩ, nhà thiết kế….

Trưởng phòng kế hoạch của Nhã Nam Nguyễn Xuân Minh cho biết, Nhã Nam cũng sử dụng biện pháp tuyên truyền tới độc giả là chính. “Ở nước ngoài, có thể điều này không gây ảnh hưởng nặng nề lắm vì họ có thể bán được hàng triệu bản mới có sách lậu. Nhưng ở Việt Nam, chúng tôi mới bán được vài trăm quyển đã có sách lậu rồi, điều này ảnh hưởng rất nặng nề đối với doanh thu và uy tín của Nhã Nam với các NXB nước ngoài. Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đều mong muốn có một chế tài chặt chẽ hơn trong việc xử lý sách giả, sách lậu".

Điều 27 của Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản có quy định phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với các hoạt động tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản, từ 50 đến 100 bản phạt từ 3-5 triệu đồng, còn từ 100 bản đến dưới 300 bản phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, và hơn 300 bản phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có Nghị định số 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi in sách lậu. Cụ thể: Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Rõ ràng, những mức phạt này không thấm vào đâu so với những thiệt hại mà các đơn vị xuất bản phải chịu do sách giả, sách lậu.

Anh Nguyễn Xuân Minh cho biết: “Để in sách lậu, có khi họ chỉ phải bỏ ra số tiền bằng 1/10 chi phí chúng tôi in sách thôi, họ còn bán cao hơn giá bìa, cho nên thu lợi rất kinh khủng, trong khi chế tài còn rất nhẹ”.

Theo TUYẾT LOAN/baonhandan.com.vn

Tệp đính kèm