Cập nhật: 20/05/2018 11:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 18-5, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đinh Tiến Dũng cho rằng, hàng giả, hàng kém chất lượng còn bày bán tràn lan ở một số nơi là do ý thức trách nhiệm của công chức thực thi nhiệm vụ bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay cho đối tượng gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu chỉ đạo.

Theo thông tin tại buổi sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (389 quốc gia), quý I năm nay trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tăng cao, chính vì vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Tại khu vực biên giới các tỉnh, cảng hàng không, bưu điện quốc tế, đường biển và nội địa diễn biến phúc tạp. Các mặt hàng được các đối tượng buôn lậu tập trung như: quần áo, hoa quả, nông sản, thực phẩm, các loại gia cầm, đặc biệt là xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả; biên giới miền Trung, tình trạng buôn lậu gỗ, ma túy, pháo, rượu ngoại, đường cát... diễn ra rất phức tạp; biên giới các tỉnh miền Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện tập trung chủ yếu vào các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như: vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà...

Mặc dù phải đối phó với phương thức, thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng tinh vi hơn, manh động hơn, nhưng từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đạt được một số kết quả quan trọng. Quý I năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 45.949 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt hơn 4.062 tỷ đồng, khởi tố 642 vụ (tăng 51,77% so với cùng kỳ năm 2017), 754 đối tượng (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2017).

Đồng chí Đinh Tiến Dũng đánh giá cao về công tác Phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại bốn tháng đầu năm, tuy nhiên lưu ý Văn phòng Thường trực 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nâng cao ý thức trách nhiệm của tập thể, cá nhân, công tác tổ chức, lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất cần được chú trọng hơn, tránh hiện tượng tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, như hàng giả, hàng kém chất lượng còn bày bán tràn lan ở một số nơi là do ý thức trách nhiệm của công chức thực thi nhiệm vụ bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay cho đối tượng gian lận thương mại và hàng giả; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa bàn, một số nơi còn mang tính cục bộ. Việc nhận thức quy chế phối hợp của các lực lượng ở một số nơi còn mang tính hình thức, phối hợp chưa nhịp nhàng và chưa thật sự đi vào nề nếp; cơ chế chính sách còn tạo kẽ hở, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh và xử lý vi phạm…

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng cấm và các mặt hàng khác như: xăng dầu, quặng, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, linh kiện máy công cụ, ô tô, xe máy đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, nước ngọt, động vật hoang dã, gỗ, quần áo, vật liệu xây dựng,…và nhận diện các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.

Đồng chí đề nghị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

 

Theo  GIAI THANH/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm