Một năm qua, sai phạm của VNPharma trong bán thuốc chữa ung thư giả vẫn chưa được xử lý nghiêm minh. Liên tiếp sai phạm trong sản xuất thuốc, thực phẩm chữa ung thư giả, thuốc hết hạn… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, gây bức xúc lớn trong dư luận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, việc chậm xử lý vụ sai phạm tại Công ty VNPharma cùng với việc phát hiện các vụ sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng nghiêm trọng (mới đây là vụ thuốc chữa ung thư giả Vinaca tại Hải Phòng) gây tâm lý lo ngại trong dư luận.
Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ khó khả thi, số lượng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hiện còn thấp. Có tình trạng tăng nhanh số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần và hưởng trợ cấp thất nghiệp; sự chưa tương xứng giữa giá và chất lượng dịch vụ y tế, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế tiếp tục diễn ra.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, công tác an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường còn gặp khó khăn. Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm tăng. Hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường đã được thanh, kiểm tra, xử lý nhưng vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể để kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Theo GS, TS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Trung ương), năm 2018, cử tri rất vui mừng khi các dịch như sốt xuất huyết năm 2017, dịch sởi năm 2016 đến thời điểm này chưa thấy bùng phát. Tuy nhiên, lĩnh vực y tế còn nhiều vấn đề rất nghiêm trọng.
Đặc biệt nhất là các vụ liên quan đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng và xảy ra tương đối lớn như VNPharma gần năm nay chưa có kết luận, chưa được xử lý nghiêm. Sau đó đến vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả Vinaca và mới đây nhất là vụ việc bán thuốc hết hạn tại Thừa - Thiên Huế. “Tôi tin là còn nhiều vụ việc sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng nữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân. Vì thế, chúng ta cần phải làm nhanh hơn nữa, xử lý nghiêm các vụ vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Việc hành hung cán bộ y tế trở thành vấn nạn ngày càng trầm trọng hơn, thể hiện tính chất côn đồ hơn rất nhiều. “Công bằng mà nói, ngành y tế có lên tiếng nhưng chưa ngang tầm với diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu đó, chưa đáp ứng mong muốn của ngành y tế và cả xã hội trong việc tôn trọng hoạt động nghề nghiệp rất nhân ái, tình người như nghề bác sĩ”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng đang bị xâm phạm đến quyền lợi của họ, hoạt động của họ mà các giải quyết chưa thỏa đáng. Điển hình nhất theo GS Nguyễn Anh Trí là vụ án làm chết chín bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình. Việc xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương dù tại thời điểm này chưa có kết luận tuyên án, nhưng diễn biến của phiên tòa thì thật sự chưa đúng người, đúng tội, chưa nghiêm minh.
Cũng theo GS Nguyễn Anh Trí, bảo hiểm y tế mặc dù đã giải quyết được cơ bản những hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh nhưng xuất hiện ngày càng nặng nề hơn những bất hợp lý trong bảo hiểm y tế, tình trạng vượt quỹ xảy ra thường xuyên. GS Trí nói: “Hiện nay, người giàu có điều kiện không muốn mua và sử dụng bảo hiểm đồng đều như thế này. Trong khi đó, người nghèo, người yếu thế và người không có các mối quan hệ có nguy cơ bị mất bảo hiểm của họ”.
Về vấn đề đấu thầu thuốc tập trung, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội) cho rằng, việc thực hiện đấu thầu thuốc tập trung có nhiều điều bất cập. “Quy định một năm chỉ được đấu thầu thuốc một lần nhưng với sự phát triển của Hà Nội thì không thể đáp ứng kịp. Chúng tôi đã xin ý kiến để đấu thầu 2 năm/lần cũng vẫn còn khó khăn”.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, chỉ nên đấu thầu tập trung ở những nhóm thuốc chuyên khoa sâu, và sử dụng cho tất cả bệnh viện sử dụng ít mới đúng. “Tôi nghĩ thuốc được sử dụng nhiều không nên đấu thầu vì nếu đấu thầu thuốc tập trung lượng thuốc quá lớn thì làm sao có nhà cung cấp đủ cho toàn quốc, dẫn đến loại trừ hết những nhà thầu còn lại. Thực tế, mặt hàng nào càng nhiều người dùng càng nhiều nhà cung cấp. Như thế tự bản thân các đơn vị cung ứng đã tự cạnh tranh, điều hòa về giá”, ông Trí nói.
Theo nhandan.com.vn