Cập nhật: 24/05/2018 12:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN,KCX) đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động, thế nhưng mới chỉ có 112 trường mầm non ở các KCN, KCX hoạt động. Con em các lao động đi cư đang bị thiếu trường mầm non công lập "trầm trọng".

Hội thảo "Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư - Thực trạng khuyến nghị và chính sách", sáng 24-5.

Đây là thông tin đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu "Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư - Thực trạng khuyến nghị và chính sách" do Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) (trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam) phối hợp Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) tổ chức sáng 24-5, tại Hà Nội.

Thực tế, trong những năm qua, các KCN, KCX tại Việt Nam được hình thành và phát triển rất nhanh và đa dạng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đi kèm với chủ trương phát triển này, rất nhiều vấn đề phát sinh đối với địa phương tiếp nhận lao động di cư, đó là vấn đề đáp ứng an sinh xã hội khi dân số cơ học tăng nhanh, người lao động di cư mang theo con nhỏ, sinh con chiếm tỷ lệ cao dẫn tới điều kiện cơ sở vật chất và tài chính của cấp cơ sở không đáp ứng kịp... Hậu quả, nhiều trẻ em không được bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục theo tiêu chuẩn Công ước về trẻ em mà Việt Nam đã ký.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, cả nước mới chỉ có 122 trường mầm non ở các KCN, KCX dẫn tới tình trạng thiếu trường mầm non công lập "trầm trọng" tại đây và những địa phương có đông lao động di cư tự do. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong các khu có đông lao động nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non là không đủ. Chia sẻ về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND phường Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết: “Do thiếu nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân và người dân địa phương, nên mở thêm hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo vệ tinh tư thục, dân lập để lao động nhập cư gửi con… Tuy nhiên, một tháng chi phí khoảng 1-1,5 triệu đồng. Nhiều gia đình không đủ tiền, đành phải gửi con về quê nhờ ông, bà chăm sóc”.

Trong khi đó, thực tế các cơ sở mầm non ngoài công lập hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến đầu năm 2014, có khoảng 2/3 trong số hơn 16 nghìn lớp mầm non độc lập tự phát hoạt động được cấp phép. Số còn lại chưa được cấp phép do các cơ sở này không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và vướng mắc về thủ tục thuê địa điểm, đội ngũ giáo viên và nhân viên không ổn định, trình độ hạn chế. Các chủ nhóm trẻ thiếu kinh nghiệm quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc giáo dục mầm non yếu. Ngoài ra, công tác kiểm tra giám sát của phòng giáo dục gặp khó khăn, không phát hiện kịp thời những sai sót để chấn chỉnh do nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập tư thục tự phát nằm rải rác trong địa bàn dân cư...

Từ những thực tế điều tra được trong nghiên cứu này, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ Vương Thị Hanh cho biết, CEPEW và VAEFA cũng đưa ra các khuyến nghị, trong đó, chính quyền các địa phương có KCN, KCX và có đông người lao động di cư cần sớm thực hiện rà soát, dự báo, điều chỉnh quy hoạch phát triển các dịch vụ công bao gồm mầm non công lập gắn với nhà ở của công nhân, nhằm bảo đảm trẻ di cư không bị phân biệt đối xử trong tiếp cận giáo dục gồm các khoản đóng góp trái tuyến vào các trường công lập. HĐND ở các địa phương có đông KCN, KCX ban hành nghị quyết để những trường mầm non công lập ở các KCN, KCX nhận trông trẻ ngoài giờ và ngày nghỉ với chi phí phù hợp để lao động di cư gửi con trong thời gian tăng ca.

Đồng thời, Vụ Giáo dục mầm non thuộc Bộ GD-ĐT thống kê số lượng lao động và trẻ em di cư ở các bậc học này tại các địa phương có nhiều KCN, KCX để đề xuất tăng phân bổ ngân sách cho những địa phương này, nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục mầm non theo tinh thần Luật Giáo dục (sửa đổi) 2015.

Bộ Công an đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ CA nhằm loại bỏ hộ khẩu ra khỏi thủ tục đăng ký nhập học để mọi trẻ em bình đẳng tiếp cận hệ thống giáo dục và y tế công lập.

Nghiên cứu cũng chỉ ra việc trẻ em di cư chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng quyền chăm sóc và vui chơi. Người lao động di cư không có thời gian dành cho bản thân và phải làm việc ca kíp, làm thêm giờ ảnh hưởng đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Có tới 62% người được hỏi cho rằng, trẻ em di cư không tham gia các hoạt dộng địa phương tổ chức và 25% cho rằng, ít tham gia do không có thông tin hay bố, mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa đón con tham gia. Có tới 9% nam giới và 18% phụ nữ tham gia nghiên cứu cho rằng, không bao giờ cho con đi chơi ở nơi công cộng...

 

Theo NHẬT ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm