Đã lâu rồi, bà con dân tộc Thái vùng lòng chảo Mường Thanh mới có được ngày vui “tới tầm” như hôm nay. Không chỉ là niềm vui được gặp mặt cho “bàn tay nắm chặt bàn tay”, cùng nhau hát hò, nhảy múa điệu nhạc truyền thống. Mà hơn cả, người Thái Mường Thanh được trở về với phong tục cội nguồn qua một lễ hội truyền thống mang bản ngã tộc người Thái đen: Xên mường (Cúng mường) – Mường Thanh.
UBND tỉnh Điện Biên trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Xên mường – Mường Thanh cho cán bộ, người dân TP Điện Biên Phủ.
Sau nhiều tháng chuẩn bị công phu, sáng 25-5, UBND TP Điện Biên Phủ đã tổ chức Lễ đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh cho Lễ hội Xên mường - Mường Thanh; và tổ chức phục dựng lễ hội trước sự chờ đợi háo hức của khách du lịch và bà con dân tộc Thái đen trên địa bàn lòng chảo Mường Thanh nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung.
Sáng nay, nếu ai để ý sẽ thấy trên con đường độc đạo từ quốc lộ 12 vào trụ sở UBND phường Thanh Trường, xuất hiện một trường băng mang nội dung mà nhiều năm rồi mới có: “Chào mừng các quý vị đại biểu về dự lễ hội Xên mường - Mường Thanh năm 2018”. Điều đó như lời giải thích cho việc vì sao lòng thung hẹp Loọng Mi bấy lâu trầm lắng, nay bỗng nhộn nhịp bóng người. Trên nền đất trăm năm thủy chung như khe nước nhỏ chỉ biết chảy xuôi, một chiếc ô hình nón được dựng lên và đó là nơi Mo then Lường Thị Song ở xã Thanh Minh (TP Điện Biên Phủ) cùng hai nghệ nhân Mào Văn Ết, Lò Hải Vân, thay mặt nhân dân Thái Mường Thanh chuyển những điều tâm nguyện của bà con người Thái lên các đấng siêu hình. Bàn thờ tre đơn sơ được dựng từ chiều hôm trước, sáng nay chất đầy thịt trâu đen, đó là con vật hiến sinh thứ hai trong lễ hội.
Được biết Lễ hội Xên mường - Mường Thanh có từ thế kỷ thứ 13, khi thủ lĩnh Lạn Chượng đặt chân lên vùng đất này. Từ đó Lễ hội Xên mường liên tục được những người đứng đầu vùng Mường Thanh mở rộng quy mô, cách thức tổ chức đến thế kỷ 18. Từ khi lập bản, dựng mường các thế hệ chẩu mường đã cho lập các Đông xên (Rừng cúng) để thờ cúng hằng năm với mục đích thể hiện sự biết ơn của con người với đất, trời, thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau với các bậc tiền bối, thủ lĩnh đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khai sơn phá thạch lập bản, dựng mường. Cầu mong cho mường, bản thái bình, nhân dân an lành, mưa thuận gió hòa, con người có mối quan hệ hòa đồng với thiên nhiên để miền biên viễn thái bình, đoàn kết, phát triển. Đồng thời, đây còn là nơi lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của mường, bản trong chống giặc ngoại xâm bảo vệ sự bình yên cho dân chúng.
Mo then Lường Thị Song thực hiện nghi lễ cúng Mường.
Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, Lễ hội Xên mường - Mường Thanh dần mai một và Đông xên Tá Pố trở thành ruộng nước. Khoảng chục năm lại đây, ngành văn hóa cũng phối hợp chính quyền địa phương tổ chức phục dựng lễ Xên bản tại một số bản văn hóa trong lòng chảo Mường Thanh. Tuy nhiên, đúng như tên gọi “Xên bản” chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của một bản (cả về con người tham gia cũng như những đóng góp vật chất của các gia đình), mà không quy tụ nhân dân toàn vùng như Xên mường ngày trước. Và như vậy, vô hình trung trong tâm thức các thế hệ người Thái Mường Thanh, đương nhiên Xên mường chỉ còn phảng phất đâu đó trong hoài niệm, trong ký ức khi mờ khi tỏ của những bậc cao niên...
Theo nghệ nhân Mào Ết, trong quan niệm của người Thái thì “Mường” là đơn vị hành chính cao nhất, dưới có các phổng (như cụm xã ngày nay); lễ hội Xên mường thường chỉ tổ chức ở mường trong, mường ngoài không có. Xên mường là việc trọng đại của cả mường và chỉ thông qua Xên mường thì những lời cầu khấn mới cảm được các đấng trời đất, thần linh... Dưới Xên mường, mỗi bản lại có Đông xên bản khi lập bản mới.
Ông Lò Văn Dọn, 66 tuổi, bản Tông Khao, nói: Xên mường là nơi gửi gắm tâm linh của nhân dân cả mường, là nơi dân mường tổ chức lễ hội Xên mường hằng năm và nó đã trở thành nơi linh thiêng đối với dân tộc Thái. Bình thường dân tộc Thái không ai dám tự tiện vào Đông xên (rừng cấm) kiếm củi, hái măng, bắt ong, đào củ...
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Lương Thị Đại, cho biết: Trước kia lễ hội Xên mường được chẩu mường và các tạo lộng, xã, bản quan tâm nên lễ hội được tổ chức thường xuyên theo chu kỳ hằng năm vào mùa xuân tháng 3 - 4 âm lịch. Lễ hội Xên mường được tổ chức trong năm ngày, phần hội chủ yếu là vui chơi giao lưu văn hóa: Ném còn, tó mák lẹ, kéo co, tó xáng (đánh quay), chọi gà… trai gái tổ chức hát đối đáp, các ông các bà uống rượu hát hò chúc tụng nhau... Trong những ngày lễ hội, không gia đình nào được giã gạo, làm nhà, xẻ gỗ, vào rừng lấy củi, săn bắt, hái lượm...
Nhân dịp đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh cho Lễ hội Xên mường - Mường Thanh, UBND tỉnh Điện Biên mong muốn bà con sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để giúp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng hồ sơ, tư liệu đệ trình Bộ Văn hóa công nhận Xên Mường Thanh là Di tích lịch sử cấp quốc gia...
Bài, ảnh: LÊ LAN
Theo nhandan.com.vn