Một kỳ nghỉ sôi động lại đón chào các em thiếu nhi. Sau một năm học, các em lại được tận hưởng không khí mùa hè với nhiều trò chơi, hình thức giải trí đa dạng, bổ ích. Có nhiều không gian và sự lựa chọn cho tuổi thiếu nhi, các tác phẩm sân khấu dành cho các em cũng không nằm ngoài sự lựa chọn ấy.
Tác phẩm “Nàng tiên cá” của Nhà hát Tuổi trẻ.
1/ Các đơn vị nghệ thuật đang tiếp tục có “quà” mới dành cho các em thiếu nhi nhân dịp 1-6 và đón hè về. Hà Nội có các chương trình diễn ra tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô của Xuân Bắc, Tự Long, Nhà hát Tuổi trẻ đều đặn hằng năm có một số vở kịch và chương trình ca múa nhạc thiếu nhi, diễn ra trong ba tháng hè. Rồi các chương trình thường xuyên của sân khấu Idecaf TP Hồ Chí Minh, những vở diễn, tiểu phẩm cho thanh thiếu nhi gần đây của Nhà hát kịch Hà Nội… Qua những món ăn tinh thần mới, công chúng có thể đánh giá những cái được và hạn chế khi các nghệ sĩ muốn dùng nghệ thuật để giáo dục và đáp ứng nhu cầu giải trí của các em.
Những vở kịch thiếu nhi vào mỗi dịp 1-6, có phải lựa chọn của các em để muốn bố mẹ cho đến rạp thưởng thức? Có một thực tế, khi đời sống phát triển thì nhiều gia đình muốn cho con cái ra rạp xem chương trình nghệ thuật, nơi các em được gặp gỡ những nhân vật trong sách, truyện, trong thế giới tưởng tượng, mơ ước của mình, qua những hình ảnh được các nghệ sĩ tái hiện trên sân khấu.
2/ Nhưng cũng không vì thế mà những người làm nghệ thuật được phép “ngủ quên” trên sự “dễ tính” của các em. Cũng không được phép làm theo kiểu thời vụ. Bởi vì muốn các em nhớ đến và học hỏi là điều không đơn giản, nếu tác phẩm không có câu chuyện xúc tích, vở diễn không đủ thuyết phục. Các em sẽ gây ồn ào ngay tại chỗ và khi ra về sẽ quên luôn. Câu hỏi làm sao để mới hơn, hấp dẫn và được lưu giữ lâu hơn trong các em, là vấn đề nan giải.
Xem cùng với các em, có thể thấy sân khấu dành cho thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế về mặt nội dung. Có nơi đã là địa chỉ nổi tiếng, xây dựng nhiều tác phẩm dành cho các em nhưng không phải vở diễn nào cũng ấn tượng, cho dù trang phục quần áo đầu tư rất kỹ lưỡng và bắt mắt, nhưng ngôn ngữ nhân vật thì vẫn còn nhiều câu từ hời hợt, trượt ra ngoài nội dung. Có nơi có những chương trình phục vụ riêng cho các em mỗi dịp 1-6, Rằm Trung thu lên đến 30, 40 suất diễn cho cả đợt, nhưng chưa thật sự xuất sắc và chinh phục các em và phụ huynh. Vở diễn chưa nêu bật được những tâm tư và sở thích của từng lứa tuổi, những bài học giáo dục vẫn còn lặp lại và ít mang tính hành động, đôi khi là những lời răn bảo với nhiều ngôn từ có phần sáo mòn. Chưa kể đòi hỏi nghiên cứu để tìm hiểu từng phân khúc lứa tuổi trẻ em từ 3-4 tuổi, 5-6 tuổi, 7-8 tuổi.
3/ Giáo dục bằng nghệ thuật là hướng đi vô cùng quan trọng đối với thiếu nhi trong bối cảnh có rất nhiều loại hình giải trí nhiều hiệu quả nhưng cũng lắm hệ lụy hiện nay. Sân khấu luôn là nơi lung linh và truyền cảm hứng chân thật đến các em, nơi các em được ngắm những bộ trang phục ngộ nghĩnh, cảnh trí trang hoàng lộng lẫy, các diễn viên trong hình tượng các nhân vật mà các em mơ ước được gặp. Vậy những người làm nghệ thuật phải luôn lắng nghe, tìm ra tiếng nói, ý nghĩ của các em vào mọi lúc mọi nơi, vì nhận biết và sở thích của các em cũng thay đổi theo từng thời kỳ.
Thấu hiểu tâm tư, sở thích, và luôn đồng hành với sự phát triển của trẻ, để từ đó nghệ thuật dành cho các em luôn luôn mới mẻ, trong sáng và gần gũi với mọi lứa tuổi.
TheoBÀI & ẢNH: QUỐC BẢO
Theo nhandan.com.vn