Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để hạn chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, ảnh hưởng chất lượng nguồn giáo viên.
Quốc hội dành riêng buổi sáng và một phần thời lượng buổi chiều để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời các ý kiến chất vấn, tranh luận của hơn 60 đại biểu. Suốt phiên chất vấn, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất chính là những bất cập còn tồn tại ở bậc giáo dục mầm non và đâu là giải pháp để cải thiện tình hình.
Cả nước có 15 nghìn cơ sở giáo dục mầm non.
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm này cả nước có tổng cộng 15 ngàn cơ sở giáo dục mầm non với 337 ngàn giáo viên.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, bậc học mầm non đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Cụ thể, quy mô phát triển bậc học mầm non hiện không đồng đều ở các vùng miền, chất lượng giáo dục mầm non không ổn định, mạng lưới chính sách giáo dục mầm non chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư cho bậc học này thấp nhất trong toàn ngành. Vì vậy, hệ thống từ cơ sở vật chất, trường lớp cho đến giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, đây lại là bậc học phải tốn chi phí nhiều nhất do tỷ lệ chi của nhà nước chỉ chiếm 39%.
Mỗi năm số trẻ mầm non lại tăng thêm 250 ngàn trẻ, tạo áp lực không nhỏ trong vấn đề trường lớp, giáo viên. Theo quy định thì mỗi lớp mầm non đúng chuẩn cần đạt tỷ lệ thấp nhất là 2,2 giáo viên. Thế nhưng trên thực tế tại nhiều địa phương con số này chỉ đang dừng ở mức 1,5 đến 1,8 giáo viên. Nguồn giáo viên hiện hữu thiếu, số trẻ tăng liên tục trong khi việc tuyển dụng và giữ chân giáo viên mầm non rất khó bởi đây là ngành áp lực cao, thu nhập thấp.
Hiện cả nước thiếu hơn 33 ngàn giáo viên cho bậc học này. Nhiều đại biểu cho rằng nếu tình trạng thiếu giáo viên kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dễ gây mất an toàn cho trẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Bộ GD-ĐT cần đưa ra nhiều chính sách thiết thực để thu hút người giỏi, giàu tâm huyết gắn bó với nghề giáo viên: “Phải có nhiều chính sách đi kèm, như chính sách về lương cho giáo viên. Lương theo tôi ở đây là về thu nhập chứ hiện nay bảng lương của nhà giáo không phải là bảng lương thấp. Các thầy cô được hưởng với bảng lương chung của xã hội nhưng trên thực tế thu nhập của thầy cô giáo nhìn chung còn ở mức thấp so với những người cùng trình độ. Thế thì phải thay đổi. Thay đổi thứ hai là vị thế nhà giáo”.
Thiếu chỗ học trường công, nhiều phụ huynh phải chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ độc lập tư thục. Trả lời tại phiên chất vấn, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng do điều kiện làm việc đặc biệt nên hiện nay đa phần các nữ công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất phải gửi con tại các nhóm trẻ độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thiếu chuyên môn, kỹ năng, áp lực công việc nhiều do số trẻ cao, nhiều giáo viên mầm non đã có hành vi bạo hành trẻ. Thực tế, số vụ bạo hành xuất hiện nhiều nhất là tại các nhóm trẻ độc lập tư thục.
Ông Nguyễn Phước Lộc, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng vấn đề quan trọng là Bộ GD-ĐT phải xác định các nguyên nhân chủ quan từ góc độ quản lý nhà nước của ngành. Nếu không rất khó nhận trách nhiệm cụ thể và đề ra giải pháp cụ thể cho thực trạng này.
Hiện nay, Bộ vẫn còn chậm trong quá trình đẩy mạnh phát triển chất lượng nhóm trẻ độc lập tư thục khiến nhiều trẻ em chịu thiệt: “Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục mầm non có nêu một nội dung rất quan trọng đó là Chính phủ đã có Quyết định số 400 ngày 20/3/2014 là phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020. Thế nhưng, đến giờ này Bộ GD-ĐT chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào”.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần siết chặt hơn nữa chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, đồng thời nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên để hạn chế thấp nhất những rủi ro đến với trẻ mầm non, nhất là hành vi bạo hành gây bức xúc trong dư luận như thời gian qua.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nhiều giải pháp, chính sách để thu hút giáo viên, đặc biệt với giáo dục mầm non.
Trước mắt, Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để hạn chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, ảnh hưởng chất lượng nguồn giáo viên. Làm sao để sinh viên ngành sự phạm học tốt nhất và ngay khi ra trường tìm được việc làm, tránh tổn thất nguồn nhân lực. Thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là làm sao để giáo viên yêu nghề, mến trẻ và không bỏ cuộc giữa chừng: “Trước hết cần tập trung cho giải pháp tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và chuẩn hóa chuyên môn cho giáo viên.
Làm sao cho các giáo viên mầm non khi đã chọn vào nghề này phải chú ý một đặc trưng đó là yêu nghề, mến trẻ. Bên cạnh đó còn có những giải pháp về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cho các thầy cô. Thế nhưng trước hết cần chú trọng đến khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và đào tạo lại đội ngũ này để kỹ năng chăm trẻ và đạo đức nghề nghiệp của các thầy cô ngày càng tốt hơn.”.
Với những giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại phiên chất vấn, nhiều cử tri mong đợi những thay đổi tích cực hơn của bậc giáo dục mầm non trong thời gian tới./.
Theo Mỹ Dung/VOV.VN