Cập nhật: 10/06/2018 11:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 5 thị trường trong nước tiếp tục được duy trì ổn định, các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất thuận lợi, nguồn cung tăng và giá giảm.

(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Đáng lưu ý, riêng đối với mặt hàng thịt lợn quy mô chăn nuôi giảm mạnh, mặt dù nguồn cung đủ nhưng tâm lý giữ hàng khiến giá thị lợn tăng so với cùng kỳ năm 2017.

Hơn nữa, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 5 đạt 354.049 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước 5 tháng đầu năm đạt 1.752,689 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng lưu ý mức tăng chủ yếu vẫn tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình (các nhóm chiếm tỷ trọng lớn).

Đặc biệt nhóm du lịch tăng mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước do bắt dầu vào mùa du lịch và ảnh hưởng của sự phục hồi kinh tế cùng với nỗ lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên theo giới phân tích, mặc dù 5 tháng đầu năm đã đạt được kết quả rất tích cực nhưng trong thời gian tới áp lực lạm phát là rất lớn.

Không những thế, rủi ro về áp lực tăng giá chủ yếu đến từ yếu tố thị trường như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính trên thị trường thế giới, gắn với đó là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước...).

Hơn nữa, giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng dự báo sẽ tăng do ảnh hưởng thời tiết chuyển mùa nóng tác động lên giá điện và giá nước lũy tiến...

Đặc biệt, việc điều chỉnh lương cơ bản từ ngày 1/7 tới sẽ tác động đến giá các mặt hàng và nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng những tháng còn lại của năm 2018, điều quan trọng nhất vẫn phải bám sát để điều hành bảo đảm ổn định vĩ mô.

Đồng thời, phải làm tiền đề, dư địa cho bước phát triển của năm 2019 và những năm tiếp theo.

Để duy trì ổn định cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Liên Bộ Tài chính-Công Thương tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước hài hòa, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp.

Cùng đó, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao trong quý II nhằm tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm 2018.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiếp tục củng cố và kiện toàn hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu còn chậm.

Mặt khác, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành bán buôn, bán lẻ cũng như xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản, từ sản xuất đến hệ thống phân phối.

Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa và thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Bộ cũng sẽ triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo./.

 

Theo UYÊN HƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-trong-nuoc-tiep-tuc-duoc-duy-tri-on-dinh-trong-thang-5/507224.vnp

Tệp đính kèm