Cập nhật: 10/06/2018 11:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lợi dụng mập mờ chỉ giới lòng sông giữa các xã ven sông thuộc huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và các xã ven sông của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), thời gian gần đây, “cát tặc” hoành hành công khai trở lại với nhiều tàu múc, tàu hút liên tục ăn trộm cát đã khiến hàng chục héc-ta đất trồng màu của người dân bị sạt lở, tài nguyên bị “chảy máu”, gây mất an ninh trật tự... Trong khi đó, việc xử lý dứt điểm tình trạng này đang khiến cho chính quyền địa phương lúng túng, khó xử lý.

Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô thuộc khu 3, xã Tử Đà gây lo lắng, bức xúc cho chính quyền địa phương và cho người dân.

Mập mờ chỉ giới trên sông

Trong những ngày qua, tại khu vực giữa sông Lô thuộc các xã: Tử Đà, Bình Bộ, Tiên Du (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) xuất hiện nhiều tàu hút cát neo đậu “ăn đợi nằm chờ” cơ hội để hút trộm cát. Tại khu 3, xã Từ Đà, chúng tôi chứng kiến có hai tàu múc đang hì hục “ăn cát”. Những gầu múc nhanh như cắt cắm sâu xuống dòng sông đổ vào tàu mang đi tiêu thụ. Thấy phóng viên xuất hiện, toàn bộ hai tàu cẩu và một tàu chở hàng đã nhanh chóng tời neo, rửa máy di chuyển sang phần chỉ giới thuộc huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), còn tiếng máy vẫn nổ ình ình diễn ra như không có chuyện gì xảy ra.

Ông Trần Văn Cường, khu 3, xã Tử Đà bức xúc, gần hai tháng nay không biết mấy con tàu này thuộc đơn vị nào mà không có biển hiệu, số tàu thản nhiên múc cát giữa lòng sông. Không có người thì chúng di chuyển sang phần mặt nước thuộc xã Tử Đà để múc cát. Khi có bóng dáng lực lượng chức năng thì chúng lại kéo về địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Thậm chí, chúng chỉ di chuyển phần tàu về địa phận tỉnh Vĩnh Phúc nhưng lại quăng gầu sang đất Phú Thọ để múc cát. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì nguy cơ sạt bờ kè và uy hiếp cả công trình trạm bơm vừa được đầu tư 4,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa của xã. Rất mong chính quyền hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ có biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng trên.

Còn tại khu 4, gần hai tháng nay thường xuyên có một đến hai tàu hút cát trộm, gây sạt lở nhiều diện tích đất màu, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Hà Kế Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà xác nhận, tình hình khai thác cát trộm đang làm đau đầu chính quyền địa phương. Thời gian bọn chúng hút trộm cát thường vào ban đêm, khoảng từ 22 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Sau khi phát hiện có tàu hút cát trộm, xã đã bố trí cán bộ thay phiên theo dõi, kiểm tra liên tục, tuy nhiên khi chúng tôi ra đến rìa sông thì toàn bộ số tàu này đã chạy về phía huyện Sông Lô.

Ông Tài cho biết thêm, hoạt động của họ rất tinh vi, dùng vòi dài để hút sâu vào bờ; hệ thống máy nổ trên tàu hút được trang bị giảm thanh nên tiếng nổ rất bé. Vì vậy, rất khó để phát hiện khi họ làm việc vào ban đêm, nếu có phát hiện thì ra tới nơi bọn họ đã di chuyển về địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Trong khi, lực lượng của xã mỏng, phương tiện không có nên chỉ dám đứng trên bờ xua đuổi.

Ngoài ra, trên sông cũng tại khu vực này vài tháng trở lại đây diễn ra hoạt động sang mạn, nên lúc nào cũng có hàng chục tàu neo đậu. Đây là hoạt động chuyển cát từ các tàu chở có công suất nhỏ lấy cát từ các vùng thượng nguồn sông Lô, đến khu vực bến phà Then thì sang mạn cho các tàu lớn trở đi. Mọi hoạt động sang mạn vẫn được các tàu sang cát cho nhau ở giữa lòng sông, phần nhiều thuộc về phía huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).

Khó xử lý, ngăn chặn

Nhiều diện tích hoa màu bị sạt lở do các đối tượng khai thác cát trái phép gây ra.

Dọc tuyến sông Lô trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có bốn đơn vị được cấp phép khai thác cát sỏi, trong đó, xã Tử Đà, Bình Bộ, Tiên Du có một doanh nghiệp được cấp phép nhưng chưa hoạt động.

Theo UBND huyện Phù Ninh, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Phù Ninh, đặc biệt tại một số địa phương như: Tử Đà, Bình Bộ, Tiên Du xuất hiện một số tàu khai thác cát sỏi trái phép, các tàu này đứng ở giữa dòng, lợi dụng địa bàn sông nước vào buổi tối di chuyển từ huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) sang địa bàn huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) để thực hiện hành vi khai thác trộm cát sỏi. Sau khi phát hiện và được quần chúng nhân dân thông tin, huyện đã phối hợp các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra. Khi kiểm tra, các tàu này phát hiện lực lượng chức năng, chúng đã di chuyển về phía địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Hà Kế Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà cho biết, trước tình hình trên, xã đã báo cáo UBND huyện Phù Ninh tăng cường lực lượng công an phối hợp chính quyền địa phương để tuần tra nhằm hạn chế tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Tuy nhiên, việc xử lý hiện nay rất khó khăn nhất là vấn đề xác định mốc giới trên sông. Nhiều khi nhìn bằng mắt thường thì thấy các tàu đang khai thác thuộc địa phận bên Phú Thọ, nhưng khi yêu cầu lực lượng chức năng của tỉnh đo chỉ giới thì lại thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Do đó, các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép thường lợi dụng sự mập mờ chỉ giới này để khai thác cát sỏi trái phép.

Còn một vấn đề khó khăn nữa là việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép là do lực lượng chức năng địa phương chưa được trang bị phương tiện di chuyển trên sông để tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, các đối tượng thường lợi dụng buổi tối, ngày nghỉ, địa hình giáp danh giữa hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc để khai thác. Họ theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để chúng trốn tránh; mặt khác, việc xác định vị trí cũng rất khó khăn bởi các đối tượng khai thác cát thường xuyên di chuyển khi lực lượng chức năng xuất hiện.

Ông Hoàng Văn Luyện, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Ninh cho biết, nhận được tin báo của nhân dân, huyện đã phối hợp lực lượng công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp xã Tử Đà thường xuyên kiểm tra. Khi phát hiện có tàu hút cát trộm xuất hiện thì nhanh chóng báo cáo huyện để ra xác định vị trí, xem xét xử lý. Mọi hoạt động khai thác cát diễn ra trên địa bàn các xã: Tử Đà, Bình Bộ, Tiên Du hiện nay là hoàn toàn trái phép. Còn các tàu khai thác nằm giữa sông khai thác là các đơn vị, doanh nghiệp thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trên các tuyến sông chạy qua địa bàn, thời gian qua, Phú Thọ đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm; lập các tổ chốt an ninh trực các điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi để theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát sỏi. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác trong chỉ giới được cấp phép; đăng ký số lượng, chủng loại, biển hiệu các phương tiện tàu, thuyền khai thác cát sỏi của đơn vị và đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của công nhân vận hành khai thác với chính quyền địa phương.

 

 

Theo NGỌC LONG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm