Ngân hàng Thế giới vừa có dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm nay, và giảm xuống còn 6,5% năm 2019.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo "Viễn cảnh kinh tế toàn cầu: Thủy triều thay đổi?", trong đó đưa ra dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm nay, giảm xuống còn 6,5% năm 2019 do các hạn chế ngày càng thể hiện rõ nét hơn.
Cụ thể, WB cho rằng, trong năm 2018 điều kiện kinh tế tại hầu hết các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương đều thuận lợi, trong đó bao gồm các yếu tố như thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh, chi phí vay vốn không quá cao, dòng vốn chảy vào các nước này vẫn duy trì. Tăng trưởng các nước trong khu vực mạnh, xuất khẩu tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Tiêu dùng cá nhân tăng mạnh nhờ niềm tin người tiêu dùng tăng và thu nhập hộ gia đình được nâng cao trong khi lạm phát vẫn ở mức vừa phải. Chi đầu tư các nước trong khu vực cũng tăng mạnh.
WB dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm nay(ảnh minh họa: KT)
Đối với thị trường tài chính, WB cho rằng, các nước trong khu vực sôi động tuy có xáo trộn chút ít trong giai đoạn nửa đầu năm 2018 do các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến và căng thẳng thương mại leo thang. Tỉ lệ lãi trái phiếu tại một số nước tăng sau khi một số thị trường chứng khoán trải qua một số biến động nhưng vẫn giữ ở mức gần với năm 2017. Các điều kiện tiền tệ trong nước thắt chặt đôi chút, và các chính sách cẩn trọng đã giúp giữ tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát.
Đáng chú ý là mức cầu tại Trung Quốc vẫn duy trì mạnh trong năm 2018 do tiêu dùng tăng và các khoản đầu tư vào các loại tài sản mang lại lãi cố định phục hồi. Tỉ lệ nợ doanh nghiệp so với GDP tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức bình quân quốc tế. Trong Q1/2018, lần đầu tiên Trung Quốc đã chứng kiến thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai kể từ năm 2001. Đây là diễn biến phù hợp với chính sách tái cân đối cán cân thương mại.
Tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, WB nhận định, một giai đoạn hồi phục theo chu kỳ dựa trên đầu tư đang diễn ra do giá nguyên vật liệu tăng, mức độ niềm tin tăng, và chi phí vốn thấp. Indonesia tăng trưởng manh, Mông Cổ phục hồi tốt. Tăng trưởng tại Malaysia thấp hơn đôi chút nhưng vẫn mạnh và dựa trên một nền tảng tổng thể.
Trong số các nước nhập khẩu nguyên vật liệu, trừ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế cũng mạnh, phản ánh một tiềm năng tăng trưởng tốt. Thái Lan tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nhờ xuất khẩu tăng. Việt Nam và Philippines cũng tăng trưởng mạnh nhưng năng lực đã được khai thác ở mức cao nên khả năng tiếp tục tăng trưởng bị hạn chế phần nào.
WB dự báo tăng trưởng các nước đang phát triển trong khu vực sẽ giảm nhẹ từ mức dự đoán 6,3% năm 2018 xuống còn 6,1% năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức suy giảm nhẹ tốc độ tăng trưởng trong khu vực chính là quá trình tái cơ cấu tại Trung Quốc. Nếu không tính Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng các nước dự kiến giảm từ 5,4% năm 2018 xuống còn 5,3% năm 2019. Viễn cảnh này được đưa ra căn cứ vào dự đoán giá nguyên vật liệu tăng nhẹ nhưng mức cầu toàn cầu sẽ giảm nhẹ, và điều kiện vốn toàn cầu sẽ dần thắt chặt. Tăng trưởng tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 6,5% năm 2018 xuống còn 6,3% năm 2019.
Trong các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, Indonesia dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2% năm nay và 5,3% sang năm nhờ tiêu dùng tăng trên cơ sở lương tăng. Malaysia dự kiến sẽ giảm tăng trưởng từ 5,4% năm nay xuống còn 5,1% trong năm 2019 theo tiềm năng.
Trong số các nước nhập khẩu nguyên vật liệu, Thái Lan dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 4,1% năm nay nhờ tăng cường xuất khẩu nhưng sẽ giảm xuống còn 3,8% năm 2019 do tiềm năng không còn nhiều. Dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm nay, giảm xuống còn 6,5% năm 2019 do các hạn chế ngày càng thể hiện rõ nét hơn.
Theo Hà Trần/VOV.VN