Trước thực trạng văn hóa cồng chiêng đang bị mai một, các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng tuổi ngày càng cao, sức yếu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ðác Lắc đã quan tâm, đầu tư mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên, thiếu niên ở các buôn làng trên địa bàn. Chương trình này vừa vận động giới trẻ chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, vừa là hoạt động bổ ích trong những ngày hè nơi đây.
Nghệ nhân Y Go Niê hướng dẫn các học viên cách đánh Ching Kram (Chiêng tre) tại lớp học.
Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, tại Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðác Lắc phối hợp với UBND huyện Cư Kuin tổ chức lễ khai giảng lớp truyền dạy đánh cồng chiêng trẻ năm 2018. Tham gia lớp học có 40 học viên là người dân tộc Ê Ðê từ bốn đến 15 tuổi, sinh sống trên địa bàn hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu. Trong thời gian hai tháng, vào buổi tối các ngày trong tuần, các học viên được hai nghệ nhân Y Go Niê và Y Ky Êban truyền dạy một số kiến thức cơ bản về cồng chiêng, vai trò của cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên và dạy những kỹ năng trong diễn tấu chiêng tre và chiêng đồng. Ðến hết khóa học, các học viên có thể diễn tấu được các bài chiêng phổ biến trong các lễ hội truyền thống của người Ê Ðê như: Gọi về sum họp, Mừng lúa mới, Cúng bến nước, Vào mùa, Mừng thọ...
Em Y Ni Phan ở buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, một trong những học viên tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ tâm sự: "Lúc nhỏ, em thường theo cha mẹ đến dự các lễ hội truyền thống trong buôn và lễ hội nào cũng có diễn tấu cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng vang lên như sợi dây nối thắt chặt tình đoàn kết buôn làng. Thế nhưng, những năm gần đây, các lễ hội văn hóa truyền thống cũng như việc diễn tấu cồng chiêng ngày càng thưa vắng. Em cùng các bạn tham gia lớp học đánh cồng chiêng này, hy vọng lớp trẻ cùng nhau gìn giữ văn hóa đặc sắc quê hương". Nghệ nhân Y Go Niê chia sẻ: Lớp học vừa khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ vừa phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng, đồng thời giúp các cháu học được những nét hay, nét đẹp của văn hóa cồng chiêng để giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện nay.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðác Lắc Ðặng Gia Duẩn cho biết: Các lớp học đánh cồng chiêng cho thanh niên, thiếu niên ở các buôn làng do Sở phối hợp các địa phương tổ chức là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào.
Theo Bài và ảnh: CÔNG LÝ/nhandan.com.vn