Ông Hợp cho rằng việc ra quyết định hủy kê biên tài sản của bị can trong vụ án trước đó là đúng thẩm quyền, không sai về mặt pháp luật.
Lĩnh án 5 năm tù vì Ra quyết định trái pháp luật
Vừa qua, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù giam đối với bị cáo Dương Quang Hợp (nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên) về tội “Ra quyết định trái pháp luật” liên quan đến quá trình giải quyết vụ án Vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh lừa đảo gần 200 tỷ đồng gây xôn xao dư luận.
Toàn cảnh phiên xét xử sơ thẩm.
Theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, quá trình điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Công an tỉnh Thái Nguyên đã kê biên, tạm giữ một số tài sản có giá trị của 2 bị can Võ Khánh Dương - Nguyễn Thị Quỳnh Anh có hành vi chiếm đoạt của các bị hại của vụ án.
Cáo trạng nêu rõ, trong vụ án, vợ chồng Võ Khánh Dương - Quỳnh Anh có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 27 bị hại với số tiền chiếm đoạt 183 tỷ đồng. Đây được cho là số tiền của các bị hại mà 2 bị cáo phải có nghĩa vụ hoàn trả cho từng người theo quy định.
Dương Quang Hợp sau đó được phân là người có trách nhiệm chỉ đạo giải quyết vụ án.
Mặc dù biết rõ đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng Hợp vẫn chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục, sau đó ký 3 quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT và ký 7 quyết định trả vật chứng là số tài sản kê biên và tài sản tạm giữ được định giá có giá trị 11,6 tỷ đồng. Ra quyết định trả cho ông Dương Văn Bắc tài sản trị giá 9,9 tỷ đồng trong khi ông Bắc chỉ phải trả thay vợ chồng Võ Khánh Dương - Quỳnh Anh số tiền 8,3 tỷ đồng cho ngân hàng.
Với quyết định trên, ông Hợp còn bị cáo buộc chỉ đạo trả sai quy định cho ông Nguyễn Quốc Dũng tài sản có giá trị 833 triệu đồng mặc dù ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng không phải là bị hại trong vụ án. Mặt khác, 5 bị hại khác chỉ được trả 921 triệu đồng.
Như vậy, ông Hợp biết rõ việc ra 3 quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT, công an tỉnh Thái Nguyên là trái pháp luật.
Quá trình xét xử xác định, việc ban hành các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản và quyết định trả lại vật chứng cho các đương sự như nêu trên của Hợp là trái với quy định pháp luật, vi phạm Điều 76, Khoản 4, Điều 146 Bộ luật TTHS và Thông tư số 06/1998/TTLT ngày 24-10-1998 của Liên ngành tư pháp Trung ương tạo điều kiện cho 2 bị can Võ Khánh Dương - Quỳnh Anh tẩu tán tài sản bị kê biên với số tiền gần 11 đồng.
Bên cạnh đó, sự việc cũng khiến 23 bị hại khác trong vụ án mất quyền được bồi thường trong số tài sản cuối cùng của 2 bị can.
Trong phiên xét xử ngày 28/5, HĐXX sơ thẩm nhận định việc cơ quan CSĐT - công an tỉnh Thái Nguyên ra các Quyết định kê biên tài sản là có căn cứ, đúng quy định. Bị cáo Hợp biết rõ những quy định về kê biên tài sản, về chuyển quyền sở hữu tài sản, xử lý bồi thường... nhưng vẫn ra quyết định trả lại tài sản kê biên cho một số ít người là bị hại và không phải là bị hại của vụ án.
Theo HĐXX, việc làm của bị cáo là trái pháp luật. Hành vi của bị cáo Hợp gây bức xúc, nghi ngờ trong dư luận. Việc ra quyết định trái pháp luật trên gây hậu quả nghiêm trong theo quy định tại Khoản 3, Điều 296 Bộ Luật hình sự năm 1999.
“Tính chất vụ án rất nghiêm trọng, hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với cơ quan nhà nước nói chung và đối với cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng. Hành vi phạm tội của bị cáo cần phải xét xử bằng pháp luật hình sự để cải tạo, giáo dục bị cáo đồng thời răn đe phòng chống tội phạm chung…” HĐXX sơ thẩm nêu rõ tại phiên tòa.
HĐXX nhận định, tuy trong quá trình điều tra Hợp không nhận tội và tại phiên xét xử sơ thẩm bị cáo khai báo quanh co, chối tội nhưng bị cáo có thời gian đóng góp trong quân ngũ, có công đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được nhà nước tặng huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3, có thời gian công tác dài trong ngành kiểm sát nên quyết định áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Từ các căn cứ nêu trên, cuối cùng HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Dương Quang Hợp 5 năm tù về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.
Sau phiên tòa, đa số các bị hại của vụ án cho rằng, bản án dành cho bị cáo Dương Quang Hợp là quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội. Do đó, các bị hại sẽ tiếp tục làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Bị cáo kháng cáo kêu oan
Sau khi Tòa tuyên bản án sơ thẩm với mình, ngày 13/6, ông Dương Quang Hợp (nguyên phó viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên, 56 tuổi) gửi đơn lên TAND tỉnh Thái Nguyên, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cấp này đã tuyên phạt ông 5 năm tù về tội Ra quyết định trái pháp luật, theo khoản 3 điều 296 Bộ luật Hình sự 1999.
Bị cáo Hợp tại phiên xét xử sơ thẩm.
Trong đơn kháng cáo của mình, ông Hợp cho rằng bản thân đã làm đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền trong xử lý tài sản kê biên vụ án Lạm dụng tín nhiệm, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng Võ Khánh Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh.
Theo ông Hợp, việc cơ quan điều tra kê biên 12 thửa đất được cho là của vợ chồng Võ Khánh Dương và Quỳnh Anh chưa đúng pháp luật. Lý giải cho lập luận này, ông Hợp cho rằng, trước khi bị bắt, khởi tố, tài sản này đã được bán cho Dương Văn Bắc và Nguyễn Quốc Dũng, không còn là sở hữu của vợ chồng Dương - Quỳnh Anh. "Tôi hủy lệnh kê biên, trả tài sản cho hai ông Bắc và Dũng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, tôi không có tội" - ông Hợp nêu trong đơn.
Ông Hợp cũng cho rằng, khi cơ quan điều tra bắt vợ chồng Dương và Anh, những người cho vay nặng lãi (bị hại của vụ án Lạm dụng, Lừa đảo) đã dùng cách nào đó để chiếm giữ tài sản, ép gán nợ. Ông Hợp trần tình, việc quyết định hủy bỏ lệnh kê biên là để đảm bảo quyền lợi chính đáng của hai ông Bắc và Dũng.
Cũng tại phiên tòa sơ thẩm chiều 28/5, ông Hợp cho rằng bản thân ông hủy lệnh kê biên trả tài sản cho hai ông Bắc và Dũng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật./.
Điều 296 Bộ Luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật.
1: Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2….
3: Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm tù.
Theo Lê Tùng/VOV.VN