Cập nhật: 16/06/2018 11:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những tác động bước đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đang mở ra nhiều cơ hội và cả thách thức đối với ngành công nghiệp khách sạn Việt Nam, đòi hỏi những đổi mới trong mô hình, cách thức quản lý để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch.

Các khách sạn từng bước đổi mới, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, tiếp đón khách.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2018, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 214.400 tỷ đồng, cao gấp hơn 13 lần so với doanh thu từ dịch vụ lữ hành (16.200 tỷ đồng). Con số này chứng tỏ vai trò quyết định của các cơ sở lưu trú đối với sự phát triển chung của toàn ngành du lịch. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi mà lượng du khách đến Việt Nam đang tăng mạnh và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng, yêu cầu về chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, nhất là với các khách sạn cao cấp của du khách ngày càng lớn. Thực tế này đặt ra đòi hỏi các nhà đầu tư, chủ khách sạn phải nhanh chóng đổi mới để bắt kịp những xu hướng của du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ mới theo hướng hiện đại, thuận lợi để hoàn thiện dịch vụ. Ðiều này không chỉ thể hiện đẳng cấp và hiệu quả kinh doanh của mỗi khách sạn mà còn tạo lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu du lịch quốc gia.

Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp Khách sạn Việt Lương Thanh Nam khẳng định: Cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ thực tế ảo, nhận diện giọng nói, khuôn mặt... đang tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới ngành công nghiệp khách sạn toàn cầu, và các khách sạn của Việt Nam cần cố gắng để không bị lỡ nhịp. Hiện nay, ở nhiều khách sạn trên thế giới, khu vực mặt tiền nhờ công nghệ chiếu sáng đã trở thành nơi chuyển tải những câu chuyện, thông điệp thú vị về chính địa phương, khách sạn, từ đó nâng cao hiệu quả quảng cáo và tương tác với du khách. Khu vực hành lang, ban-công cũng không đơn thuần chỉ là nơi để di chuyển mà nhờ tích hợp các màn hình điện tử đã trở thành không gian triển lãm, trưng bày sản phẩm. Những nội thất truyền thống cũng đang dần được thay thế bằng nội thất linh động và thông minh để tranh thủ tối đa không gian. Các thiết bị sử dụng điện cũng được quản lý tập trung thông qua hệ thống nút bấm trên điều khiển di động... Những ứng dụng công nghệ mới này không chỉ mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách mà còn giúp việc quản lý khách sạn trở nên thuận lợi hơn khi tất cả các thiết bị, chức năng của khách sạn đều được kết nối trên hệ thống, từ mở, đóng cửa, tới tự động điều chỉnh nhiệt độ phòng, tự động thực hiện thủ tục nhận, trả phòng...; từ đó có thể tiết kiệm nhân lực, chi phí và nhiên liệu. Bên cạnh đó, người quản lý khách sạn cũng có cơ hội được tiếp xúc với nguồn dữ liệu lớn, từ đó dễ dàng phân tích xu hướng du lịch, thói quen lưu trú của khách hàng để có chiến lược quảng bá quản trị khách sạn phù hợp. Xu hướng du lịch thông minh đòi hỏi các khách sạn ngay từ khâu thiết kế đã cần tính toán đến khả năng có thể tích hợp các ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý khách sạn và mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Tuy nhiên, để có thể bắt kịp nhịp độ của cách mạng 4.0 là cả thách thức lớn đối với các cơ sở lưu trú tại Việt Nam. Bởi hiện đại hóa tất yếu phải đi liền với sự đầu tư tương đối lớn về công nghệ, máy móc trang thiết bị và đội ngũ nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, trên thực tế, phần lớn những cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam là vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế, trình độ nhân lực còn thấp, chưa được làm quen nhiều với các thiết bị công nghệ cao. Ðối với người lao động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thật sự mang đến những rủi ro phải dè chừng, bởi khi công nghệ tự động hóa được áp dụng, một số công việc phục vụ trong khách sạn được thay thế bởi rô-bốt, cơ hội việc làm sẽ ít đi, tiêu chuẩn đánh giá năng lực khi tham gia vào lĩnh vực này cũng thay đổi. Tất nhiên, ở những dịch vụ đặc thù đòi hỏi cao về tính sáng tạo và kỹ năng giao tiếp trong khách sạn, luôn cần đến sự khéo léo, tinh tế của con người. Song đứng trước xu hướng thay đổi này, người lao động cũng cần có định hướng để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Tại Hội thảo "House keeping thời đại 4.0 - Cơ hội và thách thức" do Câu lạc bộ quản lý buồng phòng Việt Nam (VEHA) tổ chức mới đây, nhiều giải pháp đã được các nhà quản lý khách sạn, chuyên gia du lịch đưa ra nhằm tận dụng những thời cơ mà cách mạng 4.0 mang lại để quản lý, phát triển khách sạn hiệu quả. Theo PGS,TS Phạm Trung Lương, công nghệ sẽ tác động trước tiên đến phương thức quảng bá, xúc tiến của các khách sạn. Thay vì hình thức quảng bá truyền thống, các khách sạn cần cung cấp cho du khách những thông tin sinh động, đầy đủ nhất qua website, thậm chí giúp khách hàng có những trải nghiệm thử về dịch vụ dựa trên công nghệ thực tế ảo… Trong quản lý và vận hành khách sạn, các ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ sinh học sẽ giúp khách sạn sử dụng được những nguồn năng lượng mới, tiết kiệm điện, nước… Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Lê Mai Khanh, để có thể ứng dụng những công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào ngành khách sạn tại Việt Nam cần thời gian và cả quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, ngay lúc này, các khách sạn cũng cần tận dụng những lợi thế trước mắt để đổi mới trong khâu ma-ket-tinh, thu thập các phản hồi trực tuyến của khách hàng để phân tích thói quen, sở thích, từ đó đưa ra chiến dịch quảng bá phù hợp. Bên cạnh đó là sự thay đổi trong khâu quản lý dữ liệu, quản trị khách sạn thông qua các công cụ trực tuyến và số hóa.

Cũng tại hội thảo, nhiều phần mềm quản lý đã được các đại biểu trong nước, quốc tế chia sẻ như: ứng dụng LINE Messenger đặc biệt hữu ích trong công tác quản lý khách sạn, hỗ trợ họp bộ phận từ xa, báo cáo tình trạng phòng, thông tin quầy bar, các tập báo cáo nhiều định dạng…; ứng dụng OneNote miễn phí trên điện thoại, máy tính giúp nhắc nhở, bàn giao công việc dễ dàng, tự động gửi thư nhắc nhở tới hộp thư cá nhân và hộp thư nhóm khi công việc tới thời hạn phải thực hiện… 

Theo THÀNH CHÍ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm