Cập nhật: 20/06/2018 08:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trên cung đường quanh co, uốn lượn dưới ráng chiều hoàng hôn vàng như mật ngọt, chúng tôi vượt qua đèo Thung Khe mù sương nối hai huyện Tân Lạc và Mai Châu của tỉnh Hòa Bình để đến Hua Tạt, một bản nhỏ nằm bên quốc lộ 6 thuộc địa phận tỉnh Sơn La - điểm sáng du lịch cộng đồng (homestay) trong thời gian gần đây.

Anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Sơn La) hướng dẫn khách du lịch thổi kèn lá.

Trời chiều, rừng thông xôn xao gió, tiếng kèn lá réo rắt những thanh âm da diết, bay bổng giai điệu của bài ca trên núi trong bộ phim Vợ chồng A Phủ. Vợ chồng anh Tráng A Chu, người dân tộc Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La ra tận cửa ô-tô đón khách. Hơn hai năm nay, cơ sở homestay A Chu của vợ chồng anh luôn bận rộn đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước. Khói chiều bàng bạc tỏa ra từ mái nhà sàn của người Mông vẽ nên bức tranh phong cảnh bình yên, đủ đầy nơi vùng cao biên giới.

Nếu như cao nguyên Mộc Châu với đồi chè trái tim là điểm dừng chân đã quen thuộc đối với du khách thì vài năm gần đây, bản nhỏ Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch trên con đường huyết mạch nối các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Hua Tạt cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30km. Tháng 5, không có hoa đào, hoa lê, hoa cải rực rỡ, nhưng Hua Tạt mùa này lại rộn ràng sắc đỏ của những vườn đào, vườn mận vào vụ thu hoạch. Không chỉ dân “phượt” ưa dịch chuyển theo mùa tìm đến trú chân, các công ty lữ hành cũng tổ chức đưa các đoàn khách du lịch đến nghỉ homestay của A Chu ngày một đông. Tráng A Chu 35 tuổi, thổi khèn hay, vẽ đẹp, am hiểu phong tục tập quán bản địa của người Mông, đã có mấy năm học đại học tại Hà Nội cho nên Chu rất hiểu biết và nhanh nhẹn. Khi bắt tay vào làm homestay, không những anh là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng, anh còn giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này.

Để cơ sở homestay của mình trở thành cái tên quen thuộc với du khách, Tráng A Chu phải đổ không biết bao mồ hôi, công sức. Tâm sự với chúng tôi, anh chia sẻ: Cũng vì ra trường không xin được việc làm, cho nên về lại quê. May mắn khi Chu gặp được người hướng dẫn, động viên anh thử sức trong lĩnh vực du lịch. Điều mà đến giờ Chu vẫn tâm đắc, đó là khai thác thế mạnh phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Từ ý tưởng ban đầu lóe lên như vậy, Chu vay vốn ngân hàng, rồi vay thêm anh chị em trong gia đình, tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các nơi… và mạnh dạn bắt tay dựng nhà. Vừa làm vừa hoàn thiện dần dần, ngôi nhà sàn tập thể có thể đủ chỗ lưu trú cho hơn 50 người được thiết kế, xây dựng với những vật liệu từ thiên nhiên như tre nứa, thân cây gỗ… tạo cảm giác bình yên, đậm chất dân tộc, nằm dưới những tán đào, tán mận xanh mướt, chung quanh là những luống cải mèo xanh mướt, sau lưng là núi cao. Những nỗ lực của chàng trai người Mông này rồi cũng đến ngày hái quả ngọt. Homestay Tráng A Chu treo biển đón khách. Người nọ mách người kia, những ngày cuối tuần, homestay A Chu lúc nào cũng kín người. Nhanh nhạy nắm bắt xu thế, hiểu được mong muốn của du khách đến đây để tìm hiểu đời sống, nếp sinh hoạt của người Mông, Tráng A Chu kết hợp với một số công ty du lịch lữ hành tổ chức các hoạt động trải nghiệm cuộc sống thú vị của đồng bào dân tộc Mông như: thu hoạch đào, mận, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống.... Ngoài ra, để du khách và người dân bản gần gũi với nhau hơn, homestay của anh tổ chức các hoạt động giao lưu và tham gia các chương trình văn nghệ do chính các thanh niên trong bản dàn dựng, biểu diễn. Vợ chồng Tráng A Chu cũng chính là những “diễn viên” trực tiếp tham gia đội văn nghệ, biểu diễn những điệu nhạc truyền thống như múa khèn, sáo Mông, đàn môi, những bài hát dân tộc phục vụ du khách...

Chị Hàng A Sua (vợ anh Chu) giờ không còn phải đi nương, làm rẫy nữa. Từ ngày chồng làm du lịch cộng đồng, chị phụ trách bếp núc nấu nướng phục vụ du khách. Những món của người Mông như gà xương đen, cá suối, lợn bản, rau rừng… được chị khéo léo gia giảm, hợp khẩu vị với du khách. Căn bếp lúc nào cũng có năm, sáu bạn gái người Mông ríu rít đi ra đi vào, phụ chị Sua làm bếp. Ngượng nghịu cười, chị Sua chia sẻ: Du khách đến đều đặn góp phần thay đổi cuộc sống gia đình chị và bà con trong bản.

Ngồi trong cơ ngơi của ông chủ người Mông, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí và nghị lực vươn lên của Tráng A Chu, một thanh niên trẻ, người dân tộc nhanh nhạy làm kinh tế, cải thiện đời sống của gia đình. Ngôi nhà của Chu khá độc đáo, kết hợp những nét truyền thống của ngôi nhà Mông, nhưng lại tăng thêm những tiện ích hiện đại tạo sự thoải mái cho du khách. Đâu đó vẫn còn mấy cái cối xay ngô cũ kỹ, cối giã bánh dày, những bộ khèn… tạo không gian lao động của người Mông. Hoạt động hơn hai năm, homestay của A Chu mang lại cho gia đình anh vài trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn mười lao động. Cách làm của Chu đã mở ra một hướng làm ăn mới cho bà con ở bản Hua Tạt. Đến nay trong bản Hua Tạt có năm gia đình làm du lịch cộng đồng. Những cơ sở homestay Tráng A Sếnh, A Chư… cũng là lựa chọn đối với những khách du lịch muốn trải nghiệm du lịch cộng đồng nơi đây. Những ngày nghỉ lễ, khách đặt kín phòng.

Vậy là, bắt kịp xu hướng, bà con Mông, Thái, Dao… ở Mộc Châu, Vân Hồ giờ đã biết làm du lịch. Biến ngôi nhà sàn quen thuộc của mình thành nơi để du khách cư trú không chỉ là hướng làm kinh tế thoát nghèo cho người dân địa phương mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng cao. Đêm xuống, trong tiếng khèn, tiếng nhạc réo rắt nơi vùng cao, dân bản và du khách say sưa trong điệu múa của đêm văn nghệ phục vụ du khách. Mùa no ấm đã về với bản vùng cao.

Bài và ảnh: NGỌC LIÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm