Mặc dù ngành bán lẻ Việt Nam còn gặp vô số khó khăn trước sự đổ bộ ồ ạt của các nhà bán lẻ nước ngoài, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp trong nước phải lo ngại trước các doanh nghiệp ngoại. Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang dần vươn mình để khai thác tốt lợi thế “sân nhà” ở thị trường nông thôn.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Vinmart Royal City. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)
Tiềm năng thị trường nông thôn
Hiện cả nước có 8.539 chợ; trong đó, gần 75% là chợ nông thôn, 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Tại các khu vực nông thôn, ngoại thành thì chưa phát triển nhiều siêu thị.
Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường và Truyền thông toàn cầu Nielsen, trong năm 2017, doanh số thị trường tiêu dùng nhanh tại khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng 5%; trong đó, đồ uống, thực phẩm là những ngành hàng chính đóng góp vào sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nhanh tại khu vực thành thị. Còn ở nông thôn, thị trường tiêu dùng nhanh vẫn chưa được các doanh nghiệp khai thác hết nên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường nông thôn, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, Việt Nam đã và đang là một trong những thị trường bán lẻ nổi bật ở châu Á, tốc độ tăng trưởng khoảng 89%/năm. Cùng với đó là tiềm năng về dân số với hơn 90 triệu người. Ngoài ra, thị trường nông thôn rất tiềm năng nhưng còn đang bỏ ngỏ.
Theo ông Phú, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán lẻ thì tốc độ phát triển của các cửa hàng tiện ích cũng rất nhanh và mạnh, hiện cả nước có khoảng 4.000 cửa hàng tiện ích. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp còn có kênh bán hàng online, với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm và có nhiều triển vọng trong tương lai không xa. Có thể nói, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là “miếng bánh béo bở” hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, người Việt Nam có thói quen mua bán ở các hệ thống chợ vì tiện lợi, phong phú mặt hàng nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thích mua sắm tại các siêu thị. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng để phát triển các cửa hàng tiện lợi tại hệ thống chợ truyền thống hoặc tại thị trường nông thôn, điều mà hệ thống siêu thị hiện đại khó có thể làm được.
Doanh nghiệp nội tăng tốc về nông thôn
Trước thực trạng doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài liên tục đầu tư khai thác thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh khốc liệt hơn. Để có thể duy trì và phát triển, các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp đa quốc gia...
Nhiều doanh nghiệp đã “rẽ hướng” sang xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, thị trường nông thôn, thị xã, thị trấn… Với thế mạnh nắm vững địa lý từng khu vực, các doanh nghiệp trong nước có thể xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho từng vùng.
Tập đoàn Vingroup là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, sau hơn 2 năm đầu tư, hiện hệ thống cửa hàng tiện ích VinMart+ hoạt động như một siêu thị mini đã lên con số 1.500 cửa hàng tại 30 tỉnh thành và trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất tại Việt Nam.
Hay như Saigon Co.op đã tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để biến các cửa hàng này thành đại lý bán lẻ hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile đặt ngay tại những khu dân cư.
Ở khu vực phía Bắc có hệ thống siêu thị Việt Lan Chi Mart liên tục mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực nông thôn, hiện đã có 19 siêu thị tại các huyện ngoại thành và một số tỉnh miền Bắc. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), sau 11 năm đầu tư hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích Hapromart, hệ thống bán lẻ này cũng đã vươn đến các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa...
Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp Nhà nước mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích. Như mô hình của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tươi mart (Thành phố Hồ Chí Minh) gắn kết với công đoàn doanh nghiệp đưa siêu thị vào trong khuôn viên doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Ninh, Long An… đã giải quyết nhu cầu rất lớn cho công nhân lao động nở những vùng sâu, vùng xa. Cách làm này không chỉ giúp người lao động tránh phải mua hàng giả, kém chất lượng tràn lan, mà còn đáp ứng nhu cầu thường xuyên của người lao động, khắc phục cách làm mang tính “thời vụ” của “chương trình bán hàng lưu động” theo thời điểm.
Nhằm tạo sức mạnh cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của 4 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam với doanh thu đến 4-5 tỷ USD/năm. Đó là Saigon Co.op, Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Để thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể phát triển và sánh vai được với thị trường bán lẻ thế giới, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách vĩ mô, ưu tiên cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước về mặt bằng, thuế suất để cân bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp cần chủ động hội nhập, đầu tư chất lượng nhân sự, đầu tư công nghệ quản lý quản trị, quảng bá thương hiệu, nguồn cung cấp hàng hóa chất lượng, xây dựng đạo đức kinh doanh, gìn giữ thương hiệu, tăng cường hình thức bán hàng kể cả trực tiếp hay online…/.
Theo VIỆT ÂU (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-ban-le-viet-nam-tang-toc-trong-kho-khan/509412.vnp