Cập nhật: 22/06/2018 12:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Diễn ra từ ngày 8 đến 17-6 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ chín quy tụ nhiều tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, tiêu biểu của Việt Nam và 11 quốc gia châu Âu; mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các nhà làm phim trong nước và quốc tế, góp phần đưa phim tài liệu đến gần hơn với khán giả nước nhà.

Cảnh phim tài liệu Mái ấm xa mẹ.

Là sự kiện do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phối hợp Hiệp hội các Viện văn hóa và Ðại sứ quán các nước châu Âu tổ chức vào tháng 6 hằng năm, LHP bước vào mùa thứ chín đã ghi nhận số quốc gia và số lượng phim tham gia vượt trội: 11 phim quốc tế đến từ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ, Áo, Ðan Mạch, Séc, Anh, Ðức, I-xra-en và Bỉ; chủ nhà Việt Nam tham dự với tổng số 15 phim. Lượng khán giả đông đảo đến với mỗi buổi chiếu phim ở cả hai thành phố đã chứng tỏ nhu cầu khám phá, giao lưu văn hóa và sự yêu thích của công chúng dành cho phim tài liệu - thể loại vốn vẫn được coi là ít tính giải trí và kén khách.

NSND Nguyễn Như Vũ - Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, qua thành công của những kỳ LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam gần đây, LHP đã trở thành hoạt động bổ ích cho các nhà làm phim trong nước, được khán giả yêu phim mong đợi. Ðể mang lại những giây phút thú vị cho người xem, ban tổ chức đã tuyển chọn những tác phẩm đa dạng về đề tài, đoạt giải thưởng cao tại các LHP uy tín; đồng thời mời các đạo diễn tham dự, giao lưu cùng khán giả. Có thể kể đến buổi chiếu phim tài liệu Pháp Mái ấm xa mẹ khiến nhiều khán giả xúc động, nán lại thật lâu để trò chuyện cùng đạo diễn Ma-thiu-ơ Hác và ông Vũ Tiến - nhân vật trong phim, người đã dành 25 năm cưu mang, chăm sóc trẻ em mồ côi, cơ nhỡ ở Hà Nội. Ðể có 70 phút phim, đạo diễn đã dành tới 5 năm tìm hiểu, ghi lại công việc hằng ngày của ông Tiến cùng các con nuôi. Phim có đề tài không mới, nhưng với chất liệu mộc mạc từ chính hiện thực cuộc sống qua con mắt của một người nước ngoài, cuộc sống và văn hóa Việt vẫn hiện lên thuyết phục và cảm động. Bộ phim từng đoạt được nhiều giải thưởng uy tín, như: Phim tài liệu hay nhất LHP quốc tế Martinique 2017, được bình chọn trong LHP quốc tế Nyon "Tầm nhìn thực tiễn", chọn chiếu bế mạc LHP Olonne (Pháp, năm 2018)… Hay phim In-ma Bớc-men trong con mắt biên đạo múa của Thụy Ðiển làm về đạo diễn nổi tiếng cùng tên, từng giành giải Praha Vàng LHP truyền hình quốc tế 2018, cũng được khán giả yêu nghệ thuật trầm trồ tán thưởng. Phim Một ngày tôi thấy 10.000 con voi của Tây Ban Nha giành giải thưởng Gaudi cho phim tài liệu xuất sắc…

Các bộ phim Việt Nam được chiếu vào dịp này cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ. Ðó là phim Giáo sư Tôn Thất Tùng - người thầy tôn kính (đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ và Ðào Ðức Thanh) kể về Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, một "tượng đài" của ngành y học Việt Nam và thế giới, người đã có những phát minh mới mẻ trong lĩnh vực phẫu thuật gan khi mới 27 tuổi. Phim Khát vọng người (đạo diễn Phạm Huyên, Ðiện ảnh quân đội sản xuất) khai thác những thân phận bất hạnh mang di chứng chất độc da cam đi-ô-xin trong chiến tranh. Ðây cũng là phim khiến khán giả rơi nước mắt nhiều nhất trước nỗi đau đớn, thiệt thòi của các nạn nhân và trước cả nghị lực phi thường của họ để chiến thắng số phận, sống cuộc sống bình thường, có ích. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương còn có một tác phẩm độc đáo là Cuộc di cư của bầy cừu (đạo diễn Ðặng Linh), theo chân những tộc người Chăm làm nghề chăn cừu trên những triền cát mênh mông vùng Nam Trung Bộ. Ðề tài môi trường cũng được thể hiện nhức nhối, qua các phim Mưa a-xít (đạo diễn Nguyễn Như Vũ), Nhớ biển (đạo diễn Hoàng Dũng)… Bên cạnh các đơn vị làm phim tên tuổi, sự tham gia của bốn tác giả trẻ làm phim độc lập cũng mang lại không khí mới mẻ cho LHP. Ðó là các phim: Lẫn của Nguyễn Ngọc Mai, Khi sóng vỗ bờ của Nguyễn Xuân Hoàng Minh, Khúc tình phố của Lê Mỹ Cường và Phố nghề Hàng Thiếc của Nguyễn Hương Na.

Mỗi buổi chiếu lần lượt một phim châu Âu và một phim Việt Nam. Công bằng mà nói, phim tài liệu Việt Nam có đề tài phong phú và sâu sắc không thua kém các nước bạn, nhưng về mặt đầu tư thời gian, công nghệ… thì lép vế hẳn. Trong khi hầu hết phim tài liệu châu Âu đã hoặc đang được chiếu rạp, bán vé ngang hàng với phim điện ảnh, thì phim Việt chỉ được ra rạp vào buổi chiếu ra mắt. Dễ nhận thấy trở ngại đầu tiên chính là dung lượng, trong khi hầu hết phim tài liệu châu Âu có thời lượng từ 90 đến 120 phút, phim ta vẫn theo lối cũ - dưới 30 phút (trừ Cuộc di cư của bầy cừu là dài nhất với 63 phút). Mặt khác, phim tài liệu Việt Nam vẫn còn quá nhiều lời bình, nặng tính tuyên truyền, định hướng, âm thanh và âm nhạc được sử dụng sơ sài…

Phim tài liệu bị "mang tiếng" là kén người xem, nhưng xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam những năm gần đây đã chứng minh sức hút của loại hình phản ánh "người thật việc thật" này. Thực tế, Việt Nam cũng từng có một số phim tài liệu ra rạp, thậm chí "cháy vé", như: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Chuyện ngày hôm qua… Kinh phí thấp vẫn có thể cho ra đời phim tài liệu hay, một khi người làm phim đủ sáng tạo, kiên trì.

Phát biểu tại lễ bế mạc LHP, ông Ðô-rôn Lê-bô-vích, Phó Ðại sứ I-xra-en tại Việt Nam nhấn mạnh: "Trong tất cả các thể loại điện ảnh, có lẽ phim tài liệu hé lộ được nhiều điều nhất. Không có kịch bản sẵn, không có diễn viên đóng vai, cũng không cần đến thiết kế, phục trang hay đạo cụ, phim tài liệu mang đến cho người xem sự kết nối trực tiếp và tức thì giữa con người với tự nhiên, con người với con người". LHP vừa khép lại, nhưng đã mở ra nhiều ý tưởng cũng như cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam, tiếp tục là điểm hẹn văn hóa thú vị mỗi mùa hè, giúp khán giả yêu điện ảnh khám phá nhiều vùng đất và con người ở đất nước mình cũng như trên thế giới. 

Theo MỸ HẠNH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm