Kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, những năm qua, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Hải quân (Quân chủng Hải quân) đã tích cực thi đua dạy tốt, học tốt. Do vậy, đội ngũ kỹ sư do Học viện đào tạo được phân công về các đơn vị nhanh chóng khai thác, làm chủ các loại thủy lôi và vận hành các tàu quét mìn sông, biển, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Học viên Học viện Hải quân trong giờ thực hành.
Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Trường Sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân) đã gắn quá trình đào tạo với chiến trường, nhiều cán bộ, giáo viên và học viên đã tham gia chiến đấu ở các chiến trường sông, biển. Có thời điểm, trường vừa đào tạo, vừa bồi dưỡng, tập huấn bổ sung cán bộ cho chiến trường. Ðặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Sĩ quan Hải quân đã phối hợp các lực lượng của Quân chủng Hải quân thực hiện có hiệu quả chiến dịch chống kẻ địch phong tỏa sông, biển miền bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, mở thông luồng các cửa sông, cửa biển. Trong đó, ngày 4-10-1972, địch thả bổ sung 400 quả thủy lôi, bom chờ nổ xuống luồng vận chuyển Quảng Ninh - Hải Phòng. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải quân đã tập trung mọi lực lượng, phương tiện rà phá trong thời gian nhanh nhất để mở luồng, bảo đảm vận chuyển chi viện chiến trường…
Khi đất nước giải phóng, nối tiếp truyền thống anh hùng trong chiến đấu, Học viện Hải quân luôn coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo sát thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo hiện nay. Ðại tá Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Học viện Hải quân cho biết, thời gian qua, học viện đã xây dựng chuẩn đầu ra cho từng đối tượng đào tạo, theo hướng bám sát nhiệm vụ của đơn vị cơ sở; tăng cường tổng kết thực tiễn, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu gắn công tác giáo dục, đào tạo.
Tổ bộ môn Khai thác thủy lôi và phương tiện rà phá là một trong những bộ môn tiêu biểu của học viện về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cán bộ, giảng viên và học viên có nhiều đề tài, sáng kiến ứng dụng vào thực tế để nâng cao chất lượng huấn luyện. Mỗi giờ học lý thuyết, hay thực hành đều diễn ra sôi nổi bởi các ý kiến trao đổi của giảng viên và học viên, giúp người học nắm chắc kiến thức. Tổ bộ môn kết hợp việc giảng dạy vũ khí hiện được trang bị, trong đó tập trung vào cấu tạo vũ khí thủy lôi, chức trách ngành vũ khí dưới nước, khai thác sử dụng, công tác bảo đảm kỹ thuật, sử dụng chiến đấu vũ khí thủy lôi… Trong tình hình hiện nay, tổ bộ môn thường xuyên cập nhật kiến thức mới về vũ khí dưới nước.
Trung tá Nguyễn Thái Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn Khai thác thủy lôi và Phương tiện rà phá cho biết: Ðể xây dựng niềm tin vào vũ khí, trang bị kỹ thuật, cán bộ, giảng viên luôn vận dụng kinh nghiệm quý của thế hệ cha anh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đó, giúp học viên khai thác các loại vũ khí thủy lôi hiện có, nghiên cứu các loại vũ khí thủy lôi mới, có tính năng kỹ chiến thuật phù hợp điều kiện biển Việt Nam. Từ thực tế giảng dạy, những năm qua, cán bộ, giảng viên, học viên có nhiều đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng, quân chủng và học viện được đánh giá cao, như: Hoàn thiện thiết kế và chế thử công nghệ thủy lôi chống tàu ngầm; đầu tư tăng cường tiềm lực phòng thí nghiệm vũ khí dưới nước; chức trách trưởng ngành III và phương pháp tổ chức huấn luyện chiến đấu...
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên đều đi thực tế ở các đơn vị, đảm nhiệm các cương vị ở đơn vị cơ sở để bổ sung kiến thức. Những giờ lên lớp trên giảng đường luôn gắn với thực tế kinh nghiệm chiến đấu, công tác bảo quản, bảo dưỡng ở các trạm, xưởng, các lần diễn tập, kiểm tra thả vũ khí thủy lôi ở đơn vị đều được giảng viên cập nhật truyền đạt cho học viên. Thượng sĩ Trần Trí Giang, học viên Lớp KMP 15, Tiểu đoàn 2, Học viện Hải quân cho biết: Tôi thấy mỗi giờ học thực hành gắn với thực tế ở đơn vị đã giúp chúng tôi củng cố kiến thức lý thuyết, thao tác sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Có thể khẳng định, những bài học kinh nghiệm của thế hệ cha anh đi trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là kinh nghiệm bộ đội hải quân mở thông luồng và là lực lượng chủ lực trong rà, phá đã giúp cho những kỹ sư điện-điện tử, chuyên ngành thủy lôi hôm nay luôn vững vàng tin tưởng vào vũ khí, trang bị hiện có để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: Vũ Hưởng, Ðình Sơn
(Báo Hải quân)
Theo nhandan.com.vn