Dựa vào tình hình kinh tế quý 1/2018 và diễn biến tình hình kinh tế thế giới, kết quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, người phát ngôn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 khá thuận lợi.
Dây chuyền hàn khung xe tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm cao, nhưng thiếu bền vững do phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này được thể hiện thông qua xuất khẩu của khu vực FDI trong năm tháng đầu năm chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Trần Quốc Phương cho rằng không nên chỉ dựa vào một số chỉ số để đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam bởi trước khi đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đã có sẵn các đối tác và thị trường của mình. Họ đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước không xuất khẩu mà hướng đến thị trường nội địa là chính nên việc xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ lệ lớn là điều dễ hiểu.
Ông Phương cho biết thêm, sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp FDI do họ có sẵn chuỗi giá trị và tận dụng lợi thế của Việt Nam để xuất khẩu. Vấn đề là liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI như thế nào để Việt Nam có những doanh nghiệp tầm cỡ.
Trước lo ngại về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, ông Phương cho rằng chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện nếu nhìn vào chỉ số về tốc độ tăng trưởng. Từ năm 2011 đến nay, bình quân tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 6%/năm, đây là tốc độ khá so với một quốc gia đang phát triển. Chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) đang tiến bộ; năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người/năm, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 3 lần so với năm 2007.
Mặc dù đánh giá cao triển vọng kinh tế năm 2018, song ông Trần Quốc Phương cũng thừa nhận nền kinh tế còn nhiều thách thức. Trong đó, thách thức đầu tiên là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2018 đạt 7,38%, cao hơn nhiều dự báo nên ít nhiều sẽ có tâm lý “chùng” xuống và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng những tháng tiếp theo; đồng thời chu kỳ kinh tế 10 năm có thể sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2018.
Ngoài ra, ông Phương cũng chia sẻ sự quan ngại về ẩn số lạm phát. Lạm phát năm 2018 dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi như tăng lương, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục... Lạm phát cao sẽ tác động tới nền tảng đang rất cần, đó là kinh tế vĩ mô ổn định.
Với nền tảng vĩ mô tương đối ổn định, những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh,... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, tiếp cận thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước./.
Theo THÚY HIỀN/TTXVN/VIETNAM+
https://www.vietnamplus.vn/trien-vong-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-nam-2018-kha-thuan-loi/509821.vnp