Cập nhật: 27/06/2018 14:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hà Giang vốn được biết đến với cao nguyên đá Ðồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bãi đá cổ Nấm Dần… nhưng bây giờ nơi đây còn có thêm một điều đặc biệt nữa đó là những không gian văn hóa từng xuất hiện trên phim ảnh. Những ngôi nhà trình tường, dòng suối, đồng hoa tam giác mạch trong các bộ phim: "Chuyện của Pao", "Lặng yên dưới vực sâu"… đều trở thành điểm khai thác du lịch nổi bật ở mảnh đất cực bắc của Tổ quốc.

Nhà trình tường có bờ rào đá ở xã Sủng Là (huyện Ðồng Văn, Hà Giang).

Sủng Là sau "Chuyện của Pao"

Năm 2006, khi bộ phim truyện nhựa "Chuyện của Pao" (đạo diễn Ngô Quang Hải, chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Ðỗ Bích Thúy) phát hành, đoạt giải Cánh diều Vàng của Hội Ðiện ảnh Việt Nam thì nhiều người mới biết tới địa danh thôn Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là (huyện Ðồng Văn). Tại đây, từ một ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông xây dựng hơn 80 năm trước, được đạo diễn chọn làm bối cảnh quay, chỉ một thời gian sau, cả thung lũng Sủng Là vốn trầm lặng với những dãy núi đá tai mèo thâm sẫm một mầu bao quanh, những ngôi nhà trình tường đổ bóng thời gian luôn vắng vẻ, lộc cộc vang tiếng mõ trâu bò… bỗng được đánh thức, trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Người dân xã Sủng Là. Ảnh: THÀNH DUY

Ðến nay, Sủng Là đã trải qua hơn 10 năm được phát hiện, đưa vào khai thác du lịch nhưng bản sắc vùng miền, phong tục địa phương vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trên mái hiên nhà "cô Pao" cũng như nhiều ngôi nhà người Mông khác, luôn rực sắc vàng ruộm của ngô khô, đỗ tương lẫn trong mầu xanh cây thuốc, lá rừng. Tình cờ ghé vào một ngôi nhà nào đó, du khách dễ bắt gặp vài thiếu nữ bản địa đang ngồi se lanh, dệt vải hoặc người đàn bà Mông hai má đỏ bừng, tay cời bếp lửa, mặt như dỗi hờn ai đó trong nhà. Người bản địa không nói được nhiều tiếng Kinh, nhưng hễ có khách đến là đon đả mời ngay bát nước.

Thôn Lũng Cẩm có hơn 60 hộ dân sống trong những ngôi nhà trình tường cổ với lịch sử xây dựng cách đây ngót trăm năm. Ngoài đồng bào dân tộc Mông, ở đây còn có đồng bào dân tộc Lô Lô và dân tộc Hán. Nhà "cô Pao" cổng vào bằng gỗ, chân cột và tường rào chung quanh bằng đá. Chủ nhân là ông Mua Súa Páo. Một thời, ngôi nhà trình tường cao hai tầng giữa vùng cao nguyên đá từng được coi như sự lạ. Ðó là dấu ấn sót lại của tầng lớp quý tộc Mông vùng cực bắc. Ông Mua Súa Páo từng giữ chức Trung đội trưởng đội quân của Vua Mèo thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với quyền lực, vai vế vang tiếng trong vùng. Nghệ nhân Mùa Vản Sáu - người lưu giữ và thuộc hơn 300 bài hát dân tộc mình sau mỗi hồi thổi khèn lại rủ rỉ kể cho du khách nghe về ông Mua Súa Páo bằng điệu nhạc đầy bản sắc, lúc réo rắt, lúc thâm trầm. Rằng, ông Páo võ nghệ hơn người, đôi chân dẻo dai băng rừng vượt thác, một mình đấu thắng chúa sơn lâm, khiến Vua Mèo tin tưởng vời ra cho giữ chức vụ cao nhất trong đội quân tháp tùng. Có quyền lực, có bạc trắng dắt lưng, ông thuê thợ giỏi nhất vùng về dựng ngôi nhà lớn ròng rã nhiều năm với kết cấu hai tầng, ba dãy, ghép thành hình chữ U, để lộ phần sân lát đá tảng được đánh bóng. Nhà có một gian chính, được chia thành nhiều phòng khác nhau: Phòng khách, phòng ở, nhà kho, bếp, và chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm… Nhà làm từ đất, đá, ngói, gỗ mọi công đoạn đều được tạo tác thủ công qua bàn tay, khối óc của con người. Phía sau nhà có những gốc đào, lê, mận rừng phô vẻ xù xì của thân cành đối lập sắc xanh tươi bừng lên chồi lá.

Sủng Là được khách du lịch gọi với cái tên đầy hình tượng là "nơi đá nở hoa". Hoa ở đây không chỉ là hoa của núi rừng như đào, lê, mận, cải, tam giác mạch trải khắp bốn mùa mà còn là mầu sắc sinh động, hồn nhiên của sự sống con người đang đổi thay từng ngày.

Mùa hoa cải ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: ANH TUẤN

Mở rộng bản đồ du lịch

Bản sắc, sự kỹ lưỡng trong cách làm du lịch ở Sủng Là thể hiện qua những tấm biển chú thích cụ thể thông tin gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh cho ngôi nhà đến gùi hoa cải tươi tắn dựng dưới mái hiên đan theo cách thủ công, những người già trẻ nhỏ cần mẫn nướng bánh tam giác mạch, phơi thuốc, luôn miệng nói "cảm ơn" thay vì chèo kéo khách phương xa. Họ cười rất tươi nhìn cách chúng tôi ăn thử mèn mén đựng trong quẩy tấu bằng tre, rụt rè trước chảo thắng cố sôi lúc búc hay kề bát rượu ngô cay nồng lên môi... Không chỉ nhà "cô Pao" mà đến cả những cánh đồng hoa tam giác mạch, những dòng suối từng xuất hiện trên phim ảnh những năm gần đây cũng đang tiếp tục được Hà Giang đưa vào bản đồ du lịch, đẩy mạnh khai thác.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngày một đông đúc, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là đã được lựa chọn xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu của dân tộc Mông, mở rộng xây dựng thêm nhiều nhà trình tường mới. Vấn đề phát triển kinh tế địa phương luôn được quan tâm qua thử nghiệm nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: Trồng hoa hồng, dệt thổ cẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu… Câu chuyện làm du lịch song song với bảo tồn bản sắc văn hóa luôn cần sự chuyên sâu, phù hợp. Du lịch Hà Giang tuy đi sau một số địa phương khác nhưng đã đón đầu, tránh được hệ lụy từ việc khai thác du lịch kiểu "ăn xổi", khiến du khách chỉ đến một lần.

Với định hướng xây dựng thương hiệu du lịch trọng điểm quốc gia, Hà Giang đã có những bước chuyển mình đáng kể. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong năm 2017 tỉnh thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt hơn 169.000 lượt người, tăng 20% so với năm 2016. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 913,6 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Ðể đạt được những kết quả nêu trên, trong năm 2017, tỉnh Hà Giang đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm: Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, giải chạy ma-ra-tông Hà Giang mở rộng, Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ 3, sự kiện Xúc tiến du lịch Hà Giang tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Dù hướng tới mục tiêu xây dựng du lịch là trọng điểm nhưng quá trình thực hiện, Hà Giang vẫn đặt yêu cầu bảo đảm sự bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ giá trị văn hóa của 19 dân tộc nơi đây. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang 2017 với chủ đề Hợp tác đầu tư và phát triển diễn ra ngày 27-11-2017, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Giang cần lựa chọn các nhà tư vấn uy tín để tư vấn trong quy hoạch phát triển du lịch, khai thác lợi thế so sánh và phát triển bền vững. Với những thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa, Hà Giang hoàn toàn có thể thu hút du khách quanh năm. Muốn làm được điều này, tỉnh cần làm tốt công tác truyền thông về hình ảnh và bản sắc địa phương, phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, đa dạng hóa các sản phẩm, khôi phục phát huy các giá trị lễ hội, văn hóa truyền thống. Hà Giang cần góp phần cùng ngành du lịch cả nước trả lời đồng bộ đồng thời năm câu hỏi. Ðó là: Làm sao để khách đến đông hơn? Làm sao để khách ở lại lâu hơn? Làm sao để khách tiêu nhiều tiền hơn? Làm sao để khách quay trở lại nhiều lần nữa? Làm sao để khách kể về những câu chuyện của Hà Giang trong thời đại in-tơ-nét và mạng xã hội có sức lan tỏa rất nhanh trên toàn cầu? Ðây là bài toán đặt ra trong phát triển tỉnh nhà. Cùng sự quan tâm của Chính phủ, quyết tâm của nhà đầu tư, trong tương lai, Hà Giang được kỳ vọng trở thành tỉnh khá về kinh tế, hài hòa, bền vững về xã hội, môi trường, góp phần xứng đáng vào vẻ đẹp bất tận của Tây Bắc cũng như toàn ngành du lịch Việt Nam. 

Theo MAI LỮ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm