Dù nông sản Việt đã xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, song giá trị xuất khẩu không cao trong khi được coi là cường quốc nông nghiệp.
Một trong những lý do quan trọng là chất lượng không đồng đều, bởi vì công nghệ chế biến, quản lý chất lượng, cũng như bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa đạt hiệu quả tối ưu.
Nông sản Việt đã xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, song giá trị xuất khẩu không cao. (Ảnh minh họa: KT).
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao DAA cho biết, những năm gần đây, hàng loạt các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất, thu được một số kết quả nhất định.
"Phát triển nông nghiệp hướng đến một kỷ nguyên mới, trong đó chuỗi sản xuất từng công đoạn đều phải ứng dụng khoa học công nghệ rất cần thiết. Nghiên cứu giống, sản phẩm nguyên liệu đầu vào, để đưa vào sản xuất. Đặc biệt là kiểm soát từng công đoạn trong việc sản xuất. Các con số kiểm soát trong quy trình phải biết nói. Đây là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến, công nghệ thông tin đảm bảo cho tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi và hiệu quả.
"Công nghệ thông tin còn có vai trò quan trọng là quản lý toàn bộ hệ thống nối kết giữa con người với con người. Người nông dân phải biết giá cả, thị trường, thời tiết, chính sách... Tiếp nữa là kết nối giữa nông dân với doanh nhân, kết nối giữa doanh nhân, nông dân với người tiêu dùng", Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nói.
Ông Ưng Thế Lãm, Trưởng nhóm liên kết Doanh nghiệp xuất khẩu củ quả nêu thực tế, công nghệ có thể giúp quản lý được quy trình sản xuất, vấn đề sâu bệnh, chất lượng… hay nguy cơ sâu bệnh sắp tới sẽ như thế nào, để nông dân yên tâm làm.
Sản phẩm thu được thường là 60% đạt tiêu chuẩn loại 1, còn khoảng 40% là loại 2, loại 3. Khi nông sản đạt loại 2, loại 3 không thể xuất khẩu trực tiếp được, thì việc chế biến là yêu cầu bắt buộc, vì thế công nghệ chế biến hiện nay cực kì quan trọng.
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Agricare cho rằng, để phát triển nông nghiệp, đầu tiên cần thay đổi toàn bộ thói quen tập quán và tư duy của bà con nông dân. Bởi nếu làm theo kiểu tự cung tự cấp như của bà con nông dân, có gì bán nấy thì rất khó làm.
Hiện nay, hàng nông sản Việt làm ra có giá thành quá cao, không cạnh tranh được trên thị trường thế giới, thậm chí chào hàng sang thị trường Trung Quốc còn bị chê đắt. Ngoài ra, do thiếu công nghệ bảo quản nên doanh nghiệp thường bị rủi ro khi xuất khẩu. Bởi vậy, cần đặc biệt chú trọng vấn đề ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Công nghệ hiện nay đang có 3 nguồn là nhập khẩu, các nhà nghiên cứu trong nước từ các viện, các trường và từ các nhà nghiên cứu, chế tạo không chuyên. Việt Nam cần có hành lang pháp lý tốt nhất cho việc ứng dụng công nghệ, nhất là ưu tiên công nghệ sáng chế trong nước cho nông nghiệp.
Việt Nam cần có hành lang pháp lý tốt nhất cho việc ứng dụng công nghệ, nhất là ưu tiên công nghệ sáng chế trong nước cho nông nghiệp. (Ảnh: KT).
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thuật ngữ "nông nghiệp 4.0" mới được đề cập đến tại Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây nhưng cũng như các ngành kinh tế khác, bản chất của nó chính là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số thì không quá xa lạ.
Ưu điểm của nông nghiệp 4.0 là tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất thuận. Thông qua kết nối di động, ngồi ở nhà mà nông dân vẫn có thể biết được diễn biến lô thửa cây trồng trên đồng ruộng và từng ô chuồng, từng con gia súc để ra các quyết định đúng, hiệu quả.
Vì những lợi ích này mà nông nghiệp 4.0 đã và đang được phát triển ở nhiều nước, vùng lãnh thổ như Israel, Mỹ, Hà Lan, Đức, Isarel, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc. Ở Isarel, Mỹ, nông nghiệp sa mạc được phát triển với những khu nông nghiệp khép kín, giá trị mỗi ha lên tới 120.000 - 150.000 USD/năm.
Giới chuyên gia nhận định, tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này./.
Theo Vân Anh/VOV.VN