Tối 2-7, tại Khu di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt Kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến với chủ đề “Ngày ấy trong tuyến lửa”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đến dự.
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình “Ngày ấy trong tuyến lửa”.
Cách đây 50 năm, để phục vụ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cấp ủy xã Vĩnh Lộc, Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt đã vận động, tổ chức các đoàn dân công với hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia phục vụ chiến đấu.
Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15-6-1968 (nhằm 20-5 Âm lịch), đoàn dân công gần 60 người đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa - Long An và tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công qua khỏi “vùng trắng” tới đồng bưng thì bị máy bay địch phát hiện và xả đạn vào đội hình khiến 35 người trong đoàn đã hy sinh, trong đó có 32 dân công (25 nữ, 7 nam). Từ đó, ngày 20-5 Âm lịch hằng năm trở thành ngày giỗ chung của 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh..
Ca sĩ Võ Hạ Trâm thể hiện ca khúc Có những tuổi hai mươi như thế trong chương trình.
Trong chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng nhớ 32 dân công hỏa tuyến, khán giả không khỏi xúc động khi được nghe những nhân chứng sống, thân nhân những người đã nằm lại Láng Sấu 50 năm trước kể về “đêm trắng đồng bưng” kinh hoàng ngày ấy.
Bà Nguyễn Thị Khỏi, nữ dân công hỏa tuyến năm xưa vẫn còn nhớ như in những người đồng chí, đồng đội cùng sát cánh chiến đấu với mình và đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Riêng cô Huỳnh Thị Kim Chi, con gái liệt sĩ Huỳnh Thị Điệp, xúc động kể, khi mẹ hy sinh, cô chỉ mới 5 tuổi. Trong đêm trắng đó, cô thức đợi mẹ mãi vì nghĩ mẹ cô sẽ về như những lần trước chứ không nghĩ bà đã ra đi mãi mãi. Kỷ vật cuối cùng và duy nhất mà cô Chi nhận được từ mẹ làm bức ảnh được trước lúc ra đi vừa tròn 23 tuổi.
Tuy nhiên, sự hy sinh, mất mát đó không làm cho những người con Vĩnh Lộc nhụt chí mà càng hun đúc ý chí cho những người còn sống tiếp tục đấu tranh, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Chương trình cũng đã đưa khán giả trở về với năm tháng chiến đấu kiên cường, bất khuất của những người con Vĩnh Lộc anh hùng 50 năm trước qua những giai điệu đi cùng năm tháng như: Giai điệu Tổ quốc, Bài ca không quên, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Qua sông, Có những tuổi hai mươi như thế, Người mẹ của tôi, Bản hùng ca 68, ca cổ Huệ trắng đồng bưng… Sự hy sinh của các chiến sĩ dân công Vĩnh Lộc là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Theo MẠNH HẢO/nhandan.com.vn