Từ nhỏ đã được đắm mình trong tiếng đàn Tính, những điệu hát Then từ ông, bà, đến khi lớn lên, những giai điệu mộc mạc ấy đã ngấm vào anh Mã Trung Trực ở thôn Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn lúc nào không hay. Để giờ đây, anh Trực trở thành một trong số ít những người “say” Then, hết lòng gìn giữ, phát huy âm nhạc dân tộc Tày có tiếng ở các tỉnh miền núi phía bắc.
Anh Mã Trung Trực dạy hát Then cho các học viên.
Người đam mê
Thôn Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể với đa số dân số dân tộc Tày, nằm nép mình bên dòng sông Năng hiền hòa. Đón khách trên cây cầu treo bắc qua sông, anh Mã Trung Trực mời chúng tôi sang lớp dạy hát Then của mình trong căn nhà cổ.
Sinh ra ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, từ nhỏ, anh Trực đã được đắm mình trong tiếng Tính, câu Then từ ông, bà rồi bố, mẹ. Để rồi, hát Then trở thành niềm đam mê, cái nghiệp khó bỏ như lời anh chia sẻ. Hơn chín tuổi, cậu bé Trực đã mày mò tự lấy hộp xà phòng, dây dù để làm cây đàn tính cho riêng mình. Cây đàn “tự chế” ngây thơ đương nhiên âm thanh phập phù nhưng đã đánh thức niềm “say” Then của anh. Trực học ông, bà, cha, mẹ cách đánh đàn, từng giai điệu Then. Lớn lên, anh miệt mài tham gia các chương trình văn nghệ quần chúng, đi biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh.
Thấy được sự năng nổ, nhiệt tình của anh, UBND huyện Ba Bể nhận anh về công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin. Cũng tại đây, Trực bén duyên với chị Viễn, cán bộ cùng phòng, cũng “say” Then không kém. Hai người trở thành vợ chồng, đồng thời, cũng là đôi bạn diễn Then.
Trong căn nhà cổ, như được “chạm” vào đam mê, anh Trực say sưa, hát Then tùy cảm xúc vui hay buồn mà giai điệu sẽ biến tấu theo. Then rất phong phú về làn điệu, có thể là Then cổ, Then biểu diễn, Then truyền khẩu, các làn điệu mới được phát triển. Đặc trưng của Then Bắc Cạn đó là lên dây quãng năm, mỗi vùng Then có đặc trưng riêng, nhờ đó, người lão luyện chỉ nghe qua là biết được đây là Then Bắc Cạn, Then Lạng Sơn hay Then Tuyên Quang…
Say mê với tiếng Tính, câu Then, anh Trực tự học hỏi các bậc cao niên về Then cổ. Nghe ở đâu có người hát hay, điệu Then cổ, anh lại lặn lội đi xe máy, bắt xe khách đến tận nơi nghe và học hỏi. Cứ thế, kinh nghiệm ngày một dày lên, danh tiếng về anh Trực Bắc Cạn đam mê Then cũng được nhiều người biết tới.
Anh Trực còn sáng tác, đặt lời nhiều làn điệu Then, như: “Tiếng Then, tiếng Lượn hồ Ba Bể”, “Bản làng đổi mới”... Tác phẩm “Bản làng đổi mới” của anh viết về quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Cạn đã đạt giải A, Liên hoan hát Then toàn quốc mới đây. Đến nay, anh Trực đã có hơn 30 giải cấp tỉnh, toàn quốc về hát Then, là một sự ghi nhận đối với những nỗ lực của anh.
Những học viên nhỏ tuổi này sẽ góp phần giữ mạch nguồn hát Then trong tương lai.
“Giữ lửa” câu Then
Anh Trực mày mò, lập xưởng chế tạo đàn Tính tại nhà, mỗi năm sản xuất khoảng 100 chiếc. Đàn Tính do anh chế tạo được nhiều người ở các tỉnh đặt mua, một số được du khách nước ngoài mua về làm kỷ niệm. Anh Trực cũng sưu tầm được nhiều làn điệu Then cổ có nguy cơ thất truyền, như: Khảm hải (vượt biển), Tứ quý, Kể công cha mẹ, Chữ Trung, Chữ Hiếu, lễ tiết… Anh trở thành một trong số ít người ở các tỉnh miền núi phía bắc còn thành thạo nhiều Then cổ.
Nhận thấy, người biết hát Then ngày càng ít, nhất là lớp trẻ chỉ say sưa với âm nhạc hiện đại mà lãng quên đi giai điệu dân tộc, anh Trực bàn với vợ, quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Then Trung Trực. CLB ra đời, trở thành điểm đến cho những người yêu Then và cũng là nơi mở các lớp đào tạo hát Then do anh Trực đứng lớp. Từ chỗ chỉ lác đác vài người, đến nay, CLB đã có 13 thành viên thường trực, hơn 400 thành viên không thường trực tham gia ở trong và ngoài tỉnh. Nghe tiếng CLB, nhiều người yêu Then ở Tuyên Quang, Yên Bái… tìm đến học tập. Có những người biết anh Trực đến thi hát Then ở Tuyên Quang đã lặn lội đi xe máy từ tận Hà Giang sang nhờ anh chỉ bảo thêm.
Những lớp đào tạo do anh Trực mở ngày càng đông học viên, đặc biệt đáng quý khi có nhiều học viên trẻ tuổi đến học. Em Nguyễn Hoài Thương và Hoàng Lê Na ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, được bố mẹ đưa sang học Then với thầy Trực đã hơn một tháng. Thương cho biết, cả gia đình em ai cũng thích hát Then nhưng lại không được truyền dạy bài bản. Sang đây, học với thầy Trực, em vỡ ra nhiều điều, những lỗi đánh sai, hát lệch được chỉ bảo kịp thời.
Em Lý Thị Hải Yến, mới hơn bảy tuổi, đứng còn thấp hơn cả cây đàn Tính nhưng được cả lớp nhận xét là đàn giỏi, hát hay. Yến vui vẻ cho biết, em lên đây được thầy Trực bố trí ăn, nghỉ, hằng ngày học đàn, học lời hát, em rất vui. Trong các lớp đào tạo, học viên cao tuổi nhất đã hơn 60, học viên trẻ nhất chỉ hơn sáu tuổi, già trẻ đan xen, dưới sự hướng dẫn của thầy Trực đang góp phần “giữ lửa” câu Then.
Từ năm 2009 đến nay, anh Trực và CLB đã mở hơn 20 lớp đào tạo hát Then, mỗi lớp từ 60 - 70 học viên, đào tạo trong vòng ba tháng. CLB không đặt nặng vấn đề kinh phí, ai đến học ủng hộ tùy tâm, có em nhỏ được bố mẹ đưa đến, hoàn cảnh khó khăn chỉ ủng hộ được hơn 50 nghìn đồng, anh Trực cũng vui vẻ nhận lời. Không chỉ đào tạo tại chỗ, anh Trực còn thường xuyên nhận lời đi giảng dạy ở khắp các tỉnh miền núi phía bắc. Nhiều học viên của anh ở các tỉnh Yên Bái, Hà Giang… được anh chỉ dạy, thành tài, đạt nhiều giải cấp tỉnh và toàn quốc.
Anh Trực tiễn chúng tôi đến cầu treo, cây cầu như một nhịp đàn nối đôi bờ sông Năng, cũng là mạch nối giao thông đưa nhiều học viên tới lớp đào tạo của anh. Chia tay, chúng tôi vẫn nhớ trăn trở của anh, mong muốn làm sao có sự quan tâm hơn nữa để việc đào tạo hát Then rộng rãi, hiệu quả hơn, góp phần gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Anh Trực chế tạo đàn Tính.
Theo TUẤN SƠN/nhandan.com.vn