Cập nhật: 16/07/2018 15:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau khi phát sóng năm tập phim Quỳnh búp bê trong khung giờ vàng phim Việt trên kênh VTV1 (từ 20 giờ 45 phút thứ năm, thứ sáu hằng tuần), Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Bên cạnh những lời ngợi khen về một bộ phim có chủ đề táo bạo, đi sâu khai thác được các góc khuất của hiện thực xã hội, thì cũng có không ít người phê phán gay gắt việc phim mô tả trần trụi về bạo lực, mại dâm cùng những hình ảnh và ngôn từ thô tục, thiếu tính định hướng, giáo dục giới trẻ.

Tiếp thu ý kiến từ phía báo chí và người xem, VTV đã dán nhãn 18+ cho phim với dòng chữ cảnh báo phim không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên, đồng thời khuyến cáo các bậc cha mẹ nên giám sát các em. Ðến ngày 12-7 vừa qua, VTV đã buộc phải thông báo tạm dừng phát sóng bộ phim và thay thế bằng một phim khác.

Thực tế cho thấy phim và các chương trình có “yếu tố người lớn” như phim Quỳnh búp bê là nhu cầu của nhiều người xem truyền hình trưởng thành, song phải có sự cân nhắc chứ không thể phát sóng theo kiểu phổ biến rộng rãi đến mọi lứa tuổi vào “khung giờ vàng” như VTV đã làm vừa qua, bởi không phải các bộ phim hay chương trình đều phù hợp với mọi đối tượng, nhất là giới trẻ chưa có đủ tầm nhận thức và sự từng trải trong cuộc sống.

Cần ghi nhận việc VTV đã có ý thức tiếp thu ý kiến dư luận khi thực hiện dán nhãn 18+ và sau đó tạm dừng phát sóng bộ phim này, song điều này cũng thể hiện sự bị động và lúng túng của nhà đài với các biện pháp mang tính đối phó dư luận. Trước đó, nếu VTV chủ động lựa chọn kênh và khung giờ phù hợp cùng việc dán nhãn cảnh báo phim 18+, thì có lẽ bộ phim đã không gây nên những xáo trộn và phải tạm dừng phát sóng. Qua vụ việc nêu trên, có thể thấy đã đến lúc cần có những quy định cụ thể về việc phân loại phát sóng phim truyền hình theo độ tuổi, tổ chức thẩm định phim và xây dựng các kênh cũng như những khung giờ phát sóng phim, chương trình dành cho người lớn ở các đài truyền hình của Việt Nam.

Trên truyền hình nhiều nước, các bộ phim và chương trình phát sóng đều được phân chia rất rõ ràng, chi tiết với khuyến cáo nội dung phù hợp đối tượng ở những lứa tuổi khác nhau, vừa bảo vệ được trẻ em, vừa giúp các bộ phim, chương trình đến được và phục vụ đúng đối tượng công chúng. Sự phân chia này rất đa dạng, từ cấp độ phổ thông (có thể dành cho tất cả mọi người) cho đến những bộ phim, chương trình chỉ dành riêng cho người lớn. Yếu tố nhận diện dựa theo chi tiết sẽ quy định từng phim thuộc dạng: bạo lực, tình dục hay ngôn từ thô tục, không phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục..., trong đó nêu cụ thể cấp độ, mức độ (gián tiếp hay tả thực, nặng hay nhẹ...) và lứa tuổi phù hợp. Những quy định như vậy đối với phim truyền hình ở nước ta còn khá chung chung và không rõ ràng về mức độ đánh giá. Việc thẩm định để phân loại dán nhãn phim truyền hình gần như bị bỏ ngỏ và tùy thuộc vào quyết định phát sóng của lãnh đạo từng đài truyền hình. Chính vì vậy, những bộ phim kiểu như Quỳnh búp bê nhiều khi bị đánh giá chưa đúng, thậm chí còn bị quy chụp dưới những góc nhìn khắt khe. Cũng bởi sự lộn xộn mà nhiều phim được trình chiếu sai khung giờ, phục vụ sai đối tượng, tác động tiêu cực đến người xem và uy tín nhà đài. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu không được giải quyết bởi số lượng phim sẽ ngày càng nhiều cùng sự phát triển của ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình. Từ thực tế này, có lẽ đã đến lúc, các nhà đài cần phải có một hội đồng thẩm định phim với những chuyên gia am hiểu ở các lĩnh vực truyền hình, điện ảnh, tâm lý xã hội, để không chỉ đánh giá về chất lượng mà còn nhằm xét duyệt và dán nhãn phim theo độ tuổi phù hợp trước khi phát sóng.

Bên cạnh việc dán nhãn độ tuổi cho phim truyền hình, các nhà đài cũng nên nghiên cứu các khung giờ phát sóng phim và các chương trình mang yếu tố người lớn như nhiều nước trên thế giới đã làm. Tất nhiên, trong thời đại của công nghệ và in-tơ-nét hiện nay, việc tiếp cận những thông tin, hình ảnh không còn quá khó, song có điều độ phổ biến của truyền hình vẫn rất lớn và mang tính chính thống, cho nên sức ảnh hưởng đến giới trẻ cũng rộng hơn. Chính vì vậy, khung giờ của truyền hình người lớn (thường vào giờ muộn trong ngày) là cần thiết, đáp ứng nhu cầu chia sẻ, tìm hiểu thông tin và giải trí của đối tượng khán giả đã trưởng thành. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, việc quản lý phát sóng những bộ phim, chương trình truyền hình không mang tính phổ biến còn có thể triển khai thực hiện với các công cụ kiểm soát, đặt mã pin, cài khóa kênh, cho phép lựa chọn xem, giúp các gia đình có thể kiểm soát, ngăn chặn những nội dung không phù hợp đến trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, đằng sau trách nhiệm của các đài truyền hình trong việc lựa chọn phát sóng phim và chương trình phù hợp ở các khung giờ phổ biến, mỗi gia đình và các bậc cha mẹ cũng nên nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc giám sát, định hướng, nâng cao nhận thức, giúp con em mình lựa chọn và tiếp cận những nội dung truyền hình phù hợp lứa tuổi.

Theo TIẾN CƯỜNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm