Cập nhật: 27/07/2018 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều quốc gia tăng cường biện pháp bảo hộ, quy định an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường khiến sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu nửa đầu năm 2018, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) thừa nhận có điểm tích cực, thể hiện khá rõ khi khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thách thức không nhỏ từ bên ngoài

Tuy nhiên ông Hưng cũng cho hay, xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Điều này khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản, thủy sản cần được cải thiện nhằm tăng năng lực xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đơn cử của ông Hưng, trên các thị trường nhập khẩu đã có cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước như cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ,…

“Trong nửa đầu năm, trung bình xuất khẩu đạt 19,5 tỷ USD/tháng. Để đạt kết quả chung đề ra, 6 tháng cuối năm phải xuất khẩu đạt 20,45 tỷ USD/tháng. Việc đạt mức xuất khẩu bình quân này là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường”, ông Hưng nói.

Đề cập đến những khó khăn của ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, năm 2018 và những năm tiếp theo, ngành dệt may đối diện với nhiều thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Trong đó, thách thức từ nội bộ ngành là sự phát triển mất cân đối khi hiện nay, Việt Nam sản xuất sợi khoảng trên 1,4 triệu tấn/năm nhưng vẫn phải nhập khẩu số lượng sợi khá lớn.

Bên cạnh đó, nguồn vải may phục vụ xuất khẩu cũng chủ yếu phải nhập khẩu, chiếm trên 80% nhu cầu, tạo ra tình trạng “nghẽn” tại khâu dệt nhuộm. “Thách thức từ bên ngoài điển hình phải kể tới là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) phần lớn áp dụng quy tắc xuất xứ, trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu đến 80% nguyên phụ liệu”, ông Cẩm nói.

Ngoài dệt may, thủy sản cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong trong chế biến và xuất khẩu. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm nay, một số yếu tố có thể tác động không tích cực đến xuất khẩu thủy sản như: Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ; thuế chống bán phá giá tôm, cá trang sang Mỹ và “thẻ vàng” hải sản của Ủy ban châu Âu… Trong khi đó, một số vấn đề nội tại như thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, vấn đề kháng sinh, giá thành sản xuất,…  vẫn đang trong quá trình cải thiện.

Ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VASEP cho rằng, những yếu tố kể trên nếu không được giải quyết hiệu quả, sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực như kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song và đa phương; xây dựng uy tín chất lượng hàng hóa, xúc tiến thương mại, sản phẩm giá trị gia tăng, cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương),  vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản, thủy sản chưa được cải thiện, dẫn đến nhiều vụ việc sản phẩm xuất khẩu bị trả về (thủy sản, hồ tiêu, gạo), ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường đã làm tốt khâu đàm phán cắt giảm thuế nhập khẩu thông qua đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các FTA song phương và đa phương…, song đàm phán công nhận về hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhau còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản có mức thuế suất 0%, tuy nhiên chưa tiếp cận được thị trường, chưa được cho phép chính thức.

Hướng cơ cấu mặt hàng có ưu thế

Để tăng năng lực xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần phải quán triệt tốt 3 trụ cột lớn gồm phát triển sản phẩm, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; phát triển thị trường và tổ chức xuất khẩu để đạt hiệu quả cao.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời đại của robot thay thế con người, sẽ không còn chỗ cho lao động gia công giá rẻ, mà phải là lao động thông minh.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó là các doanh nghiệp phải chuyển dịch sản xuất, phải làm từ thiết kế, nguyên liệu trong nước mới tận dụng được lợi ích hiệu quả từ các FTA này. Đồng thời, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác và triển khai hiệu quả các dự án, đầu tư bài bản, chú trọng đầu tư công nghệ cũng như chiến lược để có thể đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của các thị trường khó tính.

Nhìn nhận về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hàng hóa từ nay tới cuối năm, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, những năm gần đây hàng công nghiệp đã chiếm ưu thế trong các mặt hàng xuất khẩu.

“Hiện nay, các sản phẩm của khu vực công nghiệp biến, chế tạo đã chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Xét về mặt cơ cấu mặt hàng đang thể hiện sự tích cực khi chuyển dịch sang công nghiệp. Với xu hướng hiện nay, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vẫn sẽ ổn định và cơ bản không có nhiều thay đổi từ nay đến cuối năm”, ông Phương nhận định./. 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Tệp đính kèm