Hơn nửa chặng đường năm 2018, trong 20 bộ phim ra rạp, không có tác phẩm nào nhận được sự đánh giá cao của cả giới chuyên môn hay có tầm ảnh hưởng xã hội.
“Em gái mưa” dù có hiệu ứng ban đầu tốt nhưng thất bại vì cách kể non yếu.
Ra mắt sai thời điểm
Trường hợp đáng tiếc điển hình rơi vào “100 ngày bên em” của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng. Tại thời điểm điện ảnh bão hòa vì các bi kịch ung thư, ê-kíp lại chọn cách làm phim lấy cảm hứng từ một phim Hàn Quốc trước đó cả thập kỷ. Có nghề, khéo chọn, khéo tuyển diễn viên, nhiều chi tiết hay nhưng tổng thể phim không tiến bộ. Ê-kíp lại chọn thời điểm ra rạp trùng với bom tấn “Avengers: Infinity War”, và sự mạo hiểm này trở thành không cần thiết.
Ra mắt gần như cùng thời điểm, phim “Lật mặt 3” có thế mạnh riêng là sự tiếp nối thương hiệu phim hành động hài từng được nhiều khen ngợi. Với sự đầu tư mạnh tay vào các phân cảnh hành động, thậm chí mời cả diễn viên, hot girl nổi tiếng từ Thái-lan Nene, đề tài về tình gia đình cảm động, phim lẽ ra có thể đạt doanh thu cao hơn nữa nếu không phải chia sẻ suất chiếu với “Avengers: Infinity War”!
Thế mạnh thể loại không được khai phá đến cùng
Có những phim xuất phát điểm ý tưởng không hề dở, có sự tìm tòi trong cách thể hiện nhưng đứt gánh giữa đường vì thiếu quyết liệt với lựa chọn của mình. “Về quê ăn tết” lẽ ra sẽ là một phim hành trình gia đình xúc động nếu không quá lạm dụng lối kể hài hước khi khả năng diễn hài của diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân là có hạn.
“Em gái mưa”, phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh chuyển thể từ MV cùng tên ăn khách tiếp tục trào lưu của những hiện tượng mạng bước lên màn ảnh rộng. Nhưng chỉ sáu tháng cho một bộ phim điện ảnh từ khâu kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ đã khiến câu chuyện phim thiếu thời gian phát triển trọn vẹn, đầy rẫy các tình huống ngô nghê.
“Ống kính sát nhân” của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng có nỗ lực thể nghiệm về hình ảnh và theo đuổi phong cách phim “Noir”, còn tìm đường đến Cannes tham dự một hạng mục phụ. Nhưng khi ra mắt, phim gây thất vọng vì câu chuyện vụng về, vay mượn nhiều chi tiết khuôn mẫu, cách dàn cảnh, chỉ đạo diễn xuất lại tham khảo quá nhiều phim, gây mệt mỏi cho người xem. Phim không thể trụ rạp lâu do thiếu sức hút với công chúng.
Trước đó, tận dụng sức nóng chiến thắng U23, bộ phim tâm lý, thể thao đầu tư hơn triệu đô “11 niềm hy vọng” cũng rời rạp sớm do thiếu hấp dẫn về cách kể. Bộ phim được chiếu Youtube miễn phí nhưng cũng chỉ đạt lượng xem khiêm tốn trong mùa World Cup. Dự án phim độc lập “Nhắm mắt thấy mùa hè” thành công về khía cạnh ý chí hơn là một chiến lược đầu tư. Phim có âm nhạc hay, bối cảnh đẹp, đánh dấu một chặng đường cố gắng đáng khâm phục của những người trẻ yêu nghề lặn lội sang Nhật ghi hình, nhưng chật vật ở phòng vé với câu chuyện có rất nhiều lỗ hổng, tiếp tục khai thác đề tài với lối kể cũ kỹ.
Sự non yếu về tay nghề
Không thể không kể tới những “thảm họa” điện ảnh vừa qua. Như với dòng phim kinh dị là sự thất bại của “Xưởng 13” và “Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ”. Hoặc có thể kể tới lối làm phim chộp giật đến mức coi thường khán giả như “Yêu nữ siêu quậy”, phim tiếp theo của đạo diễn Ngọc Hùng. Gây sốc vì độ “khủng khiếp” còn phải kể đến “Thử yêu rồi biết”, phim chào sân của đạo diễn ông bầu Nguyễn Hà với câu chuyện ngô nghê, âm nhạc tả pí lù, thử thách sự chịu đựng của người xem. “Hạ cuối tình đầu” có câu chuyện vô lý và sự non tay đến ngạc nhiên của đạo diễn Thịnh Chuột (từng làm “Sơn đẹp trai”). “Đích tôn độc đắc” không có chút thay đổi tích cực nào so các bộ phim Tết của Hoài Linh lại thêm diễn xuất hạn chế của Bạch Công Khanh nên kết quả doanh thu tệ nhất trong bốn phim Tết 2018.
Ngoại trừ thành công về thương mại của “Tháng năm rực rỡ”, hai bộ phim làm lại là “Ông ngoại tuổi 30” và “Yêu em bất chấp” thiếu sự đầu tư về xây dựng nhân vật, thay đổi tình tiết, casting và chỉ đạo diễn xuất lỗi đã trở thành hai phiên bản yếu kém.
Hướng đi khác của phim Việt tiếp tục nở rộ trong năm nay là hợp tác với ê-kíp nước ngoài. Có đủ nam thanh nữ tú Việt Nam - Hàn Quốc tham gia diễn xuất nhưng “Lala: Hãy để em yêu anh” không khác gì một MV chiếu rạp lê thê với những nhân vật đi lại vật vờ. Chịu chi cho bối cảnh, mời hot girl Hồng Kông và siêu sao Mike Tyson nhưng “Girls 2: Những cô gái và găng tơ” của nhà sản xuất Trần Bảo Sơn có hài hước nhưng cũng thô tục, phản cảm. “Yêu em từ khi nào”, cũng hợp tác Việt Nam - Hồng Kông với hai đạo diễn Tsai Lex, Nguyễn Công Hậu, trở thành thảm họa khi hạ chuẩn phim điện ảnh xuống thành phim truyền hình rút gọn mang ra chiếu rạp.
Dù xuất phát điểm ra sao, hướng tới đối tượng khán giả nào, cũng cần một câu chuyện mạch lạc, bảo đảm các tiêu chuẩn giá trị sản xuất và cách tiếp cận hợp lý đến lớp khán giả mục tiêu của mình. Như vậy, phim điện ảnh mới có thể mang lại giá trị kinh tế và đóng góp vào nền văn hóa đương đại.
Theo NGUYỄN TRANG/nhandan.com.vn