Sau khi bắt giữ được các đối tượng trong đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cơ quan điều tra đã làm rõ các mánh khóe rửa tiền của những đối tượng cầm đầu.
Hai “ông trùm” bắt tay mở sòng bạc
Mới đây, sau thời gian tích cực điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã có kết luận về vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố khác. Hồ sơ vụ án dài hơn 200 trang đã được cơ quan điều tra chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 92 bị can với bảy tội danh: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Đưa hối lộ, Sử dụng mạng in-tơ-nét thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số 92 bị can bị đề nghị truy tố, ngoài Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an) còn có Phan Sào Nam (sinh năm 1979, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC - gọi tắt là Công ty CNC). Nam và Dương được xem là nhân vật “đầu não” của đường dây đánh bạc trái phép.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2014, Phan Sào Nam bàn bạc với Hoàng Thành Trung, sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Trung tâm phần mềm, Công ty VTC công nghệ và nội dung số (VTC Intercom) để hợp tác phát triển kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài. Trung đồng ý và đề nghị Nam tìm pháp nhân để Trung xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến. Đầu năm 2015, Nam biết Công ty CNC là công ty bình phong của C50, cho nên đề nghị Dương hợp tác. Tháng 4-2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (sinh năm 1976, Tổng giám đốc Công ty CNC) ký hợp đồng với Phan Sào Nam để bắt đầu hoạt động. Sau khi ký hợp đồng với Công ty CNC, Phan Sào Nam chỉ đạo cấp dưới mua thiết bị, thuê chỗ đặt máy chủ... với mục đích tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng hệ thống game bài RikVip. Để trả thưởng cho người tham gia đánh bạc, Phan Sào Nam yêu cầu cấp dưới liên hệ mua mã thẻ điện tử (gồm thẻ viễn thông Viettel, Vinaphone, Mobifone...) của 12 công ty. Đối với Nguyễn Văn Dương, sau khi thành lập Công ty CNC, được Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện hoạt động, đã chỉ đạo ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam phát triển sòng bạc trực tuyến RikVip. Sau khi ký hợp đồng, Dương yêu cầu nhân viên thuê tên miền, quảng bá thương hiệu, xây dựng các cổng thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Dương giao người khác, thay Công ty CNC ký hợp đồng xuất hóa đơn và nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc từ các công ty trung gian thanh toán.
Nhiều thủ đoạn hợp thức hóa tiền bất chính
Quá trình lấy lời khai và truy xuất các tài liệu lưu trữ trên hệ thống đánh bạc, cơ quan điều tra xác định đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua game bài RikVip do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, gồm 25 đại lý cấp 1, hơn 5.800 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc. Doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến đã chứng minh được là 9.853 tỷ đồng. Trong đó, Phan Sào Nam hưởng lợi 1.475 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương - Công ty CNC hưởng lợi 1.655 tỷ đồng... Với khoản tiền bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến, Phan Sào Nam đã chuyển cho người thân, bạn bè gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn vào các dự án, mua bất động sản. Phan Sào Nam đã chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền cho dì ruột là bà Phan Thu Hương (sinh năm 1961, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) hơn 236 tỷ đồng. Bà Hương sử dụng tiền mua mảnh đất gần 1.000 m2 tại quận 7, TP Hồ Chí Minh. Phan Sào Nam chỉ đạo Ðỗ Bích Thủy (nguyên Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt) rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào Công ty Vịnh Hạ Xanh Hạ Long, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech... Kết luận điều tra chỉ rõ, Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Xin-ga-po, gửi một người đàn ông ở Quảng Ninh cất giữ gần 150 tỷ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỷ đồng. Nam còn nhờ một người ở TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ có giá trị hợp đồng gần 112 tỷ đồng, mua bốn căn hộ trị giá gần 39 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam khai đã chuyển cho một số người khác cất giữ vàng, ngoại tệ có giá trị hơn 530 tỷ đồng. Do số người trên đang bỏ trốn cho nên cơ quan điều tra chưa thể xác minh làm rõ. Theo kết luận điều tra, Nam thừa nhận hành vi Tổ chức đánh bạc và rửa tiền, đồng thời tích cực cùng người thân nộp lại số tiền bất chính. Đến nay cơ quan điều tra đang tạm giữ số tiền hơn 850 tỷ đồng, phong tỏa gần 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá hơn 139 tỷ đồng, tạm giữ năm xe ô-tô các loại...
Sau khi thu lời bất chính, Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà (kế toán Công ty CNC) chuyển hơn 576 tỷ đồng vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC (Công ty UDIC), góp vốn 329 tỷ đồng vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Khi tiền chuyển qua Công ty UDIC, ngày 17-4-2017, Dương tách công ty này thành hai (Công ty cổ phần đầu tư UDIC và Công ty cổ phần đầu tư CNC), rồi bán cổ phần sở hữu tại Công ty UDIC cho Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, Công ty cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, Công ty cổ phần tập đoàn Hải Thạch, thu về 270 tỷ đồng. Dương lấy 150 tỷ đồng từ số tiền bán cổ phần nêu trên đi gửi nhiều sổ tiết kiệm trị giá hàng chục tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, Dương vẫn chưa khai báo, che giấu phần lớn số tiền thu lợi bất chính của mình.
Theo LÊ TÚ/nhandan.com.vn