6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ việc; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.427 tỷ đồng.
“Nóng” trên tuyến biên giới đường bộ
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tại các tuyến biên giới phía Bắc, hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử gia dụng, bách hóa tiêu dùng, gia cầm, máy móc, phụ tùng cũ, phế liệu... Đặc biệt, xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả với số lượng lớn, đơn cử như trong tháng 4/2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng bắt 2 đối tượng chuyển gần 500 triệu đồng tiền giả vào Việt Nam).
Mới đây, ngày 12/7/2018, Đội kiểm soát phòng chống ma túy, Cục Hải quan Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy tại thị trấn Chi Lăng, Lạng Sơn. Tang vật thu giữ gồm: 10 bánh heroin.
Hải quan và Biên phòng Kiên Giang phối hợp kiểm tra phương tiện tại cửa khẩu Hà Tiên.
Còn tại tuyến biên giới miền Trung, sau khi bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu thì tại Lao Bảo - Quảng trị, Cầu Treo - Hà Tĩnh, tình trạng buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường cát, mỹ phẩm... diễn ra rất phức tạp.
Trong 6 tháng đầu năm, riêng tại địa bàn Quảng Trị, các lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 350.000 kg đường cát, kính nhập lậu. Buôn lậu gỗ diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia và Lào. Đơn cử như trong tháng 5/2018, Hạt kiểm lâm tỉnh Kon Tum khi kiểm tra tại lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’DraiCơ đã phát hiện tại một số khu vực gần biên giới đang tập kết 379 lóng gỗ các loại (642,222 m3), hiện đã khởi tố, bàn giao cho công an huyện Ia H’DraiCơ, tỉnh Kon Tum điều tra, xử lý.
Tại tuyến biên giới Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát tiếp tục diễn biến phức tạp, trọng điểm tại khu vực Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An và biên giới tỉnh An Giang. Riêng đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, từ khi Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, việc vận chuyển bằng xe gắn máy có chiều hướng gia tăng; các đối tượng chia nhỏ số lượng vận chuyển mỗi chuyến từ 500 bao đến dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trên tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng chủ yếu lợi dụng địa hình nhiều đường mòn, lối mở, sông biên giới để thuê người dân mang vác hàng qua biên giới, rồi dùng xe máy, ghe xuồng, xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa cất giấu vào nhà dân, vào các khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại, kho hàng khu vực biên giới. Từ đây, hàng hóa được hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng của hộ kinh doanh, doanh nghiệp cư dân biên giới, chứng từ nhập khẩu, xuất kho nội bộ... để vận chuyển vào nội địa.
“Tại các cửa khẩu, các mặt hàng thuộc tiêu chuẩn cư dân biên giới bị lợi dụng để thu gom, hợp thức hóa hàng hóa buôn lậu; trên các xe khách, xe tải xuất nhập cảnh, hàng lậu được trà trộn trong hàng hóa được phép nhập khẩu, hành lý, dấu trong các hầm hàng, vách ngăn được gia cố tinh vi, trên sàn xe, ghế xe...”, ông Thế cho hay.
Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng manh động hơn, chúng bố trí người đi trước cảnh giới, canh đường, theo dõi sát lực lượng chức năng nhằm trốn tránh hoặc tẩu tán hàng hóa khi bị kiểm tra, bắt giữ... Các đối tượng sẵn sàng chống trả các lực lượng thi hành công vụ. Cụ thể, gần đây nhất ngày 29/6, trong vụ bắt giữ 20 bánh heroin tại Nghệ An, đối tượng đã bắn trả làm 2 chiến sĩ Biên phòng bị thương nặng.
Gia tăng buôn lậu xăng, dầu trên biển
Buôn lậu không chỉ “nóng” trên các tuyến biên giới đường bộ, ông Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, tình hình tội phạm trên biển cũng đang diễn ra rất phức tạp. Trong đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm trốn tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Lực lượng Cảnh sát biển đang kiểm tra tàu cá hoán cải vận chuyển xăng dầu trái phép. (Ảnh: Baohaiquan)
“Các vi phạm liên quan đến mặt hàng xăng dầu có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, số lượng hàng hóa. Nhiều vụ việc do lực lượng Cảnh sát biển phát hiện có trị giá xăng dầu rất lớn và có yếu tố nước ngoài. Hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các vùng biển như: Đông Bắc, Bắc miền Trung và Nam bộ. Đối tượng vi phạm chủ yếu là các chủ đầu nậu xăng dầu, ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ”, ông Nam cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển đã tiến hành kiểm tra 179 lượt tàu, thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng.
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, xử lý 37 tàu/138 đối tượng; thu giữ 7,5 triệu lít xăng dầu, 25.000 lít dầu FO; 64 tấn đạm Ure; 728 tấn quặng sắt; 8.000 tấn than; 1.500 tấn Clanke…. Bán phát mại số tang vật bị tịch thu, thu nộp vào ngân sách hơn 91 tỷ đồng; thu giữ 99 kg pháo nổ; 26.450 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 33.000 con chim bồ cầu…
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Trần Văn Nam cho rằng, những tháng đầu năm 2018, số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển tăng, nhất là các tàu cá của ngư dân nên nhu cầu sử dụng xăng dầu trong khai thác hải sản trên biển rất lớn. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước có sự chênh lệch so với giá xăng dầu bán trên biển do một phần xăng dầu lậu không chịu thuế, phí.
Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế, trong những tháng cuối năm 2018, các lực lượng chức năng, địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý.
“Ban Chỉ đạo 389 sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ cương kỷ luật. Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, ông Đàm Thanh Thế khẳng định./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN