Cập nhật: 13/08/2018 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2015 về quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng cá Quy Nhơn được xếp vào Cảng cá loại 1, là một trong 14 cảng cá lớn nhất của cả nước, quan trọng nhất tỉnh Bình Định. Thế nhưng, do chồng chéo trong quy hoạch, diện tích mặt nước khu vực của Cảng cá này đang bị thu hẹp dần, gây nhiều khó khăn cho tàu thuyền khi ra, vào cảng.

Cảng cá Quy Nhơn là nơi có rất nhiều tàu thuyền neo đậu.

Ngư dân lo “không còn đường về cảng”

Từ cuối năm 2017, nhiều ngư dân Bình Định và các tỉnh lân cận rất bức xúc khi khu vực tàu thuyền ra vào Cảng cá Quy Nhơn (đường Hàm Tử, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) liên tục bị thu hẹp, từng đống đất đá, xà bần lớn được đổ xuống diện tích mặt nước đối diện khu Cảng cá. Nguyên nhân là do Công ty Cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn ở phía bên kia san lấp dần mặt nước để mở rộng bãi chứa hàng, trên diện tích bảy ha mặt nước mà UBND tỉnh Bình Định đã cho công ty này thuê từ năm 2009.

Anh Tô Văn Khuyên, ngư dân tàu BĐ-91142 TS, cho biết, Cảng cá Quy Nhơn hiện có rất nhiều tàu thuyền ra vào, nếu tỉnh cho doanh nghiệp san lấp mặt nước phía bên kia luồng lạch thì trong tương lai, ngư dân sẽ không thể cập cảng cá này.

Anh Khuyên lo lắng: “Đến mùa mưa bão, tàu thuyền về cảng rất đông, tàu thì neo đậu, tàu thì ra vào, đường lạch nhỏ đi thì thuyền bè không xoay chuyển được sẽ bị ảnh hưởng. Ngay đợt bão năm 2017 vừa rồi cũng có một, hai chiếc bị chìm, do luồng lạch nhỏ quá không thông suốt được.”

Anh Nguyễn Văn Lâm, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, là chủ của bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Nếu cảng cá Quy Nhơn gặp khó khăn trong việc ra vào, các tàu của anh sẽ phải cập cảng tại các tỉnh khác. Điều này sẽ gây nhiều biến động về đời sống, kinh tế cho gia đình anh, cũng như hàng nghìn ngư dân và các đơn vị dịch vụ hậu cần nghề cá trong tỉnh.

Anh Lâm kiến nghị: “Tỉnh có chủ trương cho Công ty Tân Cảng Quy Nhơn thuê mặt bằng để cập hàng hóa cũng tốt cho sự phát triển chung, nhưng phải tính toán sao cho hợp lý. Doanh nghiệp không được lấn chiếm bên luồng lạch mặt nước của cảng cá như vậy. Từ ngàn đời nay, chúng tôi đã từ cảng cá này để giong buồm ra khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước. Nếu tỉnh quy hoạch chồng chéo như vậy, ngư dân Bình Định sẽ không còn đường về cảng. Tôi cùng các ngư dân tha thiết đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh xem xét lại, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chúng tôi ra khơi.”

Bình Định hiện có đến 6.258 tàu cá, trong đó có khoảng 3.600 tàu công suất lớn hoạt động xa bờ. Đây cũng là tỉnh dẫn đầu về số lượng tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ, với 48 tàu vỏ thép, tám tàu composite và năm tàu gỗ công suất lớn. Cảng cá Quy Nhơn có độ sâu lớn nhất vùng nước đậu tàu là 6m; tổng chiều dài luồng 4.300m; tổng sức chứa tàu cá tại vùng nước đậu tàu là 5.600 chiếc; cỡ tàu được vào khu neo đậu tránh trú bão có công suất 1.000CV. Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng cá Quy Nhơn được quy hoạch nâng cao quy mô năng lực đón 300 lượt tàu cá/ngày đối với tàu có công suất 600CV, lượng thủy sản qua cảng 40.000 tấn/năm, kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão. Nếu Cảng cá Quy Nhơn không thể hoạt động, sẽ gây khó khăn lớn cho ngư dân Bình Định nói riêng, và các tỉnh khác khi trở về từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Cần lắng nghe ý kiến của ngư dân

Sau khi nghe báo cáo về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng đã có ý kiến kết luận tại Thông báo số 125/TB-UBND ngày 22/5/2018, cho phép Công ty Cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện san lấp mặt nước.

Thông báo nêu rõ: Công ty Cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn đang triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng container 30.000 DWT theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, Công ty đã xây dựng xong cầu cảng (200m); đầu tư thiết bị bốc xếp nhưng chưa xây dựng bãi sau cầu cảng nên hạn chế khả năng khai thác của Cảng. Vì vậy, đồng ý cho Công ty tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch. Yêu cầu Công ty khi thực hiện san lấp bãi sau cầu cảng phải xây dựng hệ thống kè đứng trước rồi mới được san lấp, tránh để bùn cát tràn ra luồng tàu cá, bảo đảm luồng tàu cá ra vào tối thiểu 100m.

Đến ngày 17-7-2018, ông Phan Cao Thắng tiếp tục ký công văn số 4281/UBND-KT về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch mở rộng Tân Cảng Quy Nhơn, công văn đề nghị công ty Cổ phần Tân cảng Quy Nhơn khi triển khai dự án phải “lưu ý bảo đảm chiều rộng mặt nước từ cầu cảng cá đến kè dự án tối thiểu là 100m.” Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định chủ trì quy hoạch lại vùng mặt nước, “bảo đảm phân luồng cho tàu cá ra vào khu neo đậu thuận tiện, chiều rộng mặt nước trước cảng cá tối thiểu là 100m.”.

Tuy nhiên, ngày 30-7-2018, cũng chính ông Phan Cao Thắng lại ký và ban hành tiếp công văn số 4545/ UBND-KT về việc tạm dừng triển khai thực hiện giai đoạn 2 của dự án Mở rộng Tân cảng Quy Nhơn. Theo đó, “yêu cầu Công ty Cổ phần Tân cảng Quy Nhơn tạm dừng xây dựng giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu cảng container, để các cơ quan chức năng đánh giá lại ảnh hưởng tác động của việc thực hiện dự án đối với luồng ra vào của tàu cá và hoạt động của Cảng Quy Nhơn”; Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng kiểm tra thủ tục đầu tư và đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với luồng ra vào của tàu cá và hoạt động của Cảng Quy Nhơn; báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 10-8-2018.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, UBND tỉnh ban hành liên tiếp ba văn bản thiếu nhất quán, cho thấy việc quy hoạnh cảng cá Quy Nhơn còn rất nhiều bất cập. Chính quyền tỉnh Bình Định rất lúng túng trong giải quyết vấn đề đang bức xúc của ngư dân.

Sáng ngày 9-8, chúng tôi có mặt trong đoàn công tác do Sở Xây dựng Bình Định thực hiện kiểm tra đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với luồng ra vào của tàu cá theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở Xây dựng tiến hành cắm thử mốc 100 mét tính từ bến của Cảng cá Quy Nhơn. Nếu theo mốc này, luồng vào Cảng cá Quy Nhơn chỉ còn khoảng 1/3 so với hiện hữu. Rất nhiều ngư dân đang có mặt tại đây đã phản ứng rất quyết liệt. Ông Đào Quý Tiêu, Giám đốc sở xây dựng Bình Định cho biết, bảy ha mặt nước trước cảng cá đã được các cấp có thẩm quyền cho thuê và cấp sổ đỏ. Nhưng theo Quy chuẩn quốc gia về luồng, vùng quay trở tàu biển và Nghị định an toàn luồng, công trình cảng biển, thì chiều rộng mặt nước trước cảng cá tối thiểu là 250 mét.

Hiện nay, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư, nâng cấp đội tàu cá đánh bắt xa bờ gắn liền với việc khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo là chiến lược kinh tế biển quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội cho các cộng đồng dân cư ven biển. Nếu không đáp ứng được cơ sở hạ tầng phục vụ đội tàu cá về cảng sẽ gây bức xúc kéo dài, nguy cơ gây khiếu kiện kéo dài, rất khó giải quyết. Do vậy, tất cả các quyết định liên quan đến việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Tân Cảng Quy Nhơn, cần thiết phải tham vấn ý kiến cộng đồng và ngư dân.

Bài và ảnh: CÁT HÙNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm