Sự có mặt của nhiều thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam cho thấy nhu cầu mua sắm ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh thị trường, tình trạng gian lận thương mại đã xuất hiện và có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Chưa kể, rất nhiều thủ đoạn cạnh tranh thiếu lành mạnh được tiến hành nhằm thu lời bất chính…
Những năm qua, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi thói quen mua sắm của người Việt Nam. Ở các thành phố lớn, thay vì mua sắm tại chợ bình dân hay cửa hiệu tạp hóa nhỏ, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến các thương hiệu bán lẻ, website thương mại điện tử để lựa chọn sản phẩm ưng ý đã kiểm định chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Ðiều này được chứng minh qua nhiều báo cáo, thống kê tích cực về thị trường bán lẻ Việt Nam từ nhiều chuyên gia, công ty phân tích tài chính có uy tín. Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (ARV), nước ta thuộc tốp 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Kết quả khảo sát của hãng tư vấn A.T.Kearney (Mỹ) cũng cho thấy bán lẻ là một trong sáu ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam... Ðược ví như "miếng bánh béo bở", nhất là khi nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng mạnh ở nhiều phân khúc từ bình dân đến cao cấp, thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang thu hút không chỉ doanh nghiệp trong nước mà có cả sự góp mặt của các tên tuổi trên thương trường khu vực và quốc tế về cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử như: Alibaba, Walmart, 7 Eleven, Circle K, GS 25… Ðồng thời, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa ngành như Vingroup cũng tham gia thị trường giàu tiềm năng này, dẫn tới sự ra đời hệ thống bán lẻ Vinmart dự kiến vào năm 2020 sẽ lên tới 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng tiện lợi. Trong "cơn sốt" của thị trường bán lẻ, nhiều doanh nghiệp chưa dừng lại ở việc bán các mặt hàng vốn là thế mạnh của mình, mà còn mở rộng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm qua quá trình sáp nhập hoặc khai trương những thương hiệu mới, như tập đoàn Thế giới di động. Vì vậy, có cơ sở để khẳng định trong một tương lai gần, Việt Nam sẽ đủ điều kiện để trở thành một trong các "thiên đường mua sắm" đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Nhưng bên cạnh các điểm sáng đó, thị trường bán lẻ ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại như: mập mờ, gian dối về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, quảng cáo sai sự thật, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng… Sau khi vụ bê bối quanh việc nhập khẩu, cắt, thay mác sản phẩm Trung Quốc thành hàng Việt Nam chất lượng cao của Tập đoàn Khải Silk bị phát giác năm 2017, nhiều tên tuổi khá quen thuộc với người tiêu dùng trong nước như Miniso, Mumuso và gần đây là Con Cưng cũng đang đối diện với nghi án mập mờ nguồn gốc xuất xứ của thương hiệu, sản phẩm. Ðáng buồn là các hiện tượng nêu trên lại không hiếm, mà đang diễn ra như một xu hướng xấu có dấu hiệu ngày càng phổ biến trên thị trường bán lẻ. Nhìn ngược thời gian, các vụ án gian lận thương mại liên quan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc của một số doanh nghiệp bán lẻ như một vấn nạn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Năm 2015, một nhà phân phối mỹ phẩm có uy tín ở miền bắc đã bị đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) thu giữ lô hàng có tới 100 nghìn sản phẩm giả. Tương tự, năm 2017, một công ty bán lẻ mỹ phẩm cũng bị Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phát giác lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá lên đến 11 tỷ đồng. Gần đây, những cái tên như Khải Silk, Con Cưng trở thành từ khóa "hot" (nóng) trên báo chí, truyền thông đại chúng, mạng xã hội bởi những tố cáo và nghi vấn về gian lận thương mại từ người tiêu dùng và xã hội. Mới đây, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ khác như hệ thống hàng hiệu xuất khẩu Torano cũng bị tố cáo bán "đồ fake" (hàng nhái). Ngoài các trường hợp bị nêu tên cụ thể trên báo chí, có địa chỉ, khu vực bán hàng nhái trở thành "điểm đen" với người tiêu dùng từ nhiều năm nay. Trên các website thương mại điện tử như Shopee, Lazada, tình trạng này cũng đã đến mức báo động. Sự dễ dãi khi để cá nhân mở shop online (cửa hàng trực tuyến) bán hàng và tình trạng sau khi chi một khoản tiền mua sắm, người tiêu dùng lại nhận được hàng giả, hàng dỏm… khiến không ít khách hàng dần mất lòng tin vào một số doanh nghiệp bán lẻ đang hoạt động ở Việt Nam.
Có thể nói, bằng các thủ đoạn khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, một số doanh nghiệp đang đánh lừa người tiêu dùng và tạo ra cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh với đối thủ của mình. Dễ dàng nhất, có lẽ là hình thức đánh lừa người tiêu dùng như trường hợp của Khải Silk nhập hàng từ công ty nước ngoài, dán logo mới để khẳng định là hàng tơ tằm trong nước và bán lại cho khách hàng với mức giá trên trời. Nhắm vào uy tín của mặt hàng tơ tằm Việt Nam cũng như tâm lý người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, Khải Silk đã ngang nhiên đánh lừa khách hàng trong một thời gian dài trước khi bị tố cáo. Khác với thủ đoạn thay nhãn mác lộ liễu và cẩu thả của Khải Silk, một số công ty bán lẻ qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng bằng thủ đoạn rất tinh vi, khó nhận biết hơn. Thí dụ, lúc đầu Miniso và Mumuso là chuỗi cửa hàng tiện lợi được sáng lập bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, song để thu hút khách hàng Trung Quốc và Việt Nam, các doanh nghiệp này tiến hành mở trụ sở, kêu gọi sự hợp tác của một vài nhà đầu tư nhỏ, kém danh tiếng tại Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm "thay tên đổi phận" cho mình. Cách làm đó kết hợp với việc cố tình sử dụng tên gọi, thiết kế logo thương hiệu và xây dựng cửa hàng theo phong cách một số chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc, các tập đoàn này đã thành công trong chiêu thức "đánh lừa tâm lý" người tiêu dùng vốn ưa thích đồ gia dụng chất lượng cao đến từ hai cường quốc châu Á. Chiêu thức khác được một số doanh nghiệp lợi dụng là mập mờ đánh lận con đen, bán lẫn sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc với sản phẩm hàng thật. Ðiển hình là vụ việc doanh nghiệp Con Cưng, sau khi kiểm tra cơ quan chức năng đã xác định bảy hành vi vi phạm của chuỗi siêu thị này gồm: bán hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ; hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhưng ngôn ngữ trình bày không phải bằng tiếng Việt; sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc; túi ni-lông đựng sữa ghi sử dụng công nghệ Ðức nhưng không ghi xuất xứ sản phẩm; mỹ phẩm trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành; nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan. Trắng trợn hơn là tình trạng một số doanh nghiệp cố tình buôn bán hàng giả trên các website thương mại điện tử. Theo đó, các doanh nghiệp này lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, "đem con bỏ chợ" của các website để đánh lừa người tiêu dùng…
Dù bao biện bằng nhiều lý lẽ khác nhau từ cẩu thả trong in ấn nhãn mác, nhân viên tự ý tráo hàng,… đến không thể kiểm soát hết được chất lượng sản phẩm, sai phạm rõ ràng của một số doanh nghiệp bán lẻ đã gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế đất nước. Các doanh nghiệp này ít nhiều đã gây ra tâm lý nghi ngại trong người tiêu dùng và làm ảnh hưởng tới uy tín các công ty, chuỗi cửa hàng khác đang hoạt động, làm ăn chân chính ở Việt Nam. Chưa kể, với việc kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng, các doanh nghiệp này gây thiệt hại cho các nhà sản xuất vật dụng tiêu dùng, nhất là những công ty vừa và nhỏ trong nước. Hành vi gian lận thương mại diễn ra vừa qua tại các doanh nghiệp bán lẻ còn góp phần vô tình tạo cơ hội cho nạn buôn lậu bùng phát tại nhiều tỉnh biên giới, các thành phố có sân bay, cảng biển. Thực tế cho thấy một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam ưa các mặt hàng đến từ "đường tiểu ngạch" vì giá rẻ, trong khi mức độ rủi ro về chất lượng cũng không thấp. E ngại nạn hàng giả hoành hành tại một số doanh nghiệp bán lẻ, một bộ phận giới trẻ Việt Nam đang hình thành thói quen "săn sale" (săn hàng giảm giá) từ website thương mại điện tử uy tín của nước ngoài. Thậm chí, nhiều cá nhân còn tổ chức, thành lập những group (nhóm) mua chung lớn, những công ty vận chuyển hàng authentic (xách tay). Xu hướng mua sắm này không chỉ ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, mà còn dẫn tới tình trạng "chảy máu" ngoại tệ khi dòng tiền thanh toán ra nước ngoài tăng cao.
Trong khi tình trạng gian lận thương mại, điển hình là buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, mập mờ xuất xứ đang là vấn nạn của thị trường bán lẻ Việt Nam, phải nói rằng, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có phần chậm trễ, thiếu kiên quyết, khiến người tiêu dùng chỉ biết trông cậy vào sự hiểu biết của bản thân. Ở nhiều địa phương, các hội như Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa chất lượng và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hoạt động một cách cầm chừng, thậm chí thiếu hiệu quả. Chính các nguyên nhân này đã khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ sai phạm tiếp tục tận thu, đánh lừa khách hàng, người tiêu dùng. Mặt khác, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi như "buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa" mới chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng như hiện nay được đánh giá là thấp không đủ sức răn đe, chưa tương xứng với quy mô của sai phạm của một số đơn vị bán lẻ có khi lên đến nhiều tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có lý do từ chính các doanh nghiệp sản xuất hoặc có nhà máy tại Việt Nam còn ít quan tâm đến việc bảo vệ các mặt hàng của mình, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, cho hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả còn hạn chế…
Để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng luôn được bảo vệ, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, hiệp hội liên quan quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Ðặc biệt, xử lý nghiêm khắc các sai phạm liên quan việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Làm được điều đó, chúng ta sẽ góp phần ngăn chặn được những rủi ro do gian lận thương mại, góp phần phát triển thị trường bán lẻ giàu tiềm năng tại Việt Nam.
Theo QUANG MINH/nhandan.com.vn