Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt khoảng 6,83%. Tăng trưởng quý 3 và 4 có thể không có gì đột phá so với các năm trước, trong đó, quý 1 tăng trưởng 7,45%, quý 2 là 6,79%, quý 3 ước đạt 6,72% và quý 4 ước đạt 6,56%. Lạm phát bình quân theo kịch bản cơ sở theo dự báo sẽ trong khoảng 4 - 4,2%.
Đánh giá về một số nét nổi bật của kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, tăng trưởng nửa đầu năm nay, ở mức cao và ngoạn mục khi tổng sản phẩm trong nước GDP ước tính tăng 7,08%.
“Tăng trưởng trong quý 2 đã có sự suy giảm, điều này bắt nguồn từ động lực tăng trưởng của chúng ta trong giai đoạn vừa qua khu vực đầu tư nước ngoài có dấu hiệu bão hòa. Trong khi động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm chưa được thể hiện rõ nét. Do đó, trong các dự báo, tốc độ tăng trưởng cuối năm so với các quý đầu năm sẽ có sự giảm sút” - ông Đặng Đức Anh nhận định.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sụt giảm những tháng cuối năm do ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc còn diễn biến khó lường và cũng là vấn đề sẽ ảnh hưởng tới kinh tế trong nước. Việt Nam cần hết sức cẩn trọng với tác động dây chuyền mà cuộc chiến này có thể gây ra.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, nước ta sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ- Trung Quốc trong dài hạn. Cụ thể, từ việc Tổng Thống Mỹ trừng phạt thuế áp lên các hàng hóa của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc tăng trưởng của toàn cầu suy giảm theo biên độ rộng. Đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như nước ta. Vì vậy, trong dài hạn, cần tính đến tình huống khi tổng thống Mỹ xem xét lại tất cả các mối quan hệ thương mại không công bằng của nước Mỹ, Việt Nam cần xem xét để cán cân thương mại Việt –Mỹ lành mạnh hơn.
“Cần tránh việc hàng Trung Quốc xuất khẩu sang nước thứ 3 và chuyển sang sản xuất ở một nước thứ 3 để tránh bị áp thuế, Mỹ đã có sắc thuế mới về chống lẩn tránh để lần theo nguồn gốc hàng hóa của Trung Quốc và nếu hàng hóa của Trung Quốc cũng như nhà máy của nước này chuyển sang Việt Nam, thì hàng hóa của Việt Nam cùng mã ngành sẽ bị đánh mức thuế tương tự như Trung Quốc. Đây là vấn đề gây nên bất lợi cho Việt Nam” - TS. Phạm Sỹ Thành lưu ý.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, cần tránh không để cho hàng hóa Trung Quốc thông qua thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu không làm tốt việc này, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đánh thuế như Trung Quốc.
“Chúng ta phải cố gắng chọn được lĩnh vực đầu tư cho tốt hơn. Hiện Trung Quốc bị hạn chế đầu tư sang Mỹ họ lại đẩy sang đầu tư tại nước ta cả về hàng hóa và lĩnh vực đầu tư. Do đó chúng ta phải chú ý vấn đề để có lợi cho cả hai bên, không thể một chiều được. Đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vấn đề này cần phải được quan tâm nhiều hơn” - ông Lưu Bích Hồ nói.
Phiên Họp báo Chính phủ thường kì đầu tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, có thể chúng ta đang đứng trước Cuộc chiến thương mại, thậm chí có thể nói là cận kề chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Do đó, với tình hình hiện nay, đất nước cần phải tính đến những trường hợp xấu để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, nước ta cần tạo môi trường đầu tư minh bạch tăng cường thu hút FDI từ nước ngoài. Chủ động ứng phó với các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại từ Mỹ, cũng như có biện pháp giảm tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ- Trung và sẵn sàng các giải pháp khi biến động về tỷ giá./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN