Cập nhật: 18/08/2018 10:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trường ô-tô Việt Nam sau một thời gian “đóng băng” đã bắt đầu cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp (DN) đang dần thích ứng các quy định mới, trong đó bao gồm cả những “rào cản” nghặt nghèo của Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116). Bên cạnh đó, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ xã hội hóa xe hơi.

Khách hàng lựa chọn xe ô-tô tại một khu trưng bày ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Tín hiệu hồi phục

Từ đầu năm 2018, hàng loạt quy định liên quan lĩnh vực ô-tô có hiệu lực thi hành, như: Nghị định số 125/2017/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô-tô nhập khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khu vực thương mại tự do ASEAN giảm về 0% đối với xe ô-tô nguyên chiếc và Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô-tô... Dường như ngay lập tức, các chính sách này tác động mạnh đến thị trường ô-tô trong nước, khiến các DN nhập khẩu gặp không ít khó khăn, lượng xe nhập khẩu giảm mạnh. Tổng cục Hải quan ghi nhận, trong sáu tháng đầu năm, lượng xe ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam chỉ là 12.380 xe, với trị giá đạt 329 triệu USD, giảm mạnh 75,7% về lượng và 68,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Ngược lại, do nhận được nhiều ưu đãi từ những chính sách mới, các công ty lắp ráp ô-tô trong nước đều “chớp thời cơ” tăng cường, mở rộng sản xuất và nâng công suất. Qua đó, sản lượng ô-tô sản xuất và lắp ráp trong nước phục hồi mạnh, đạt 114.600 xe các loại trong sáu tháng đầu năm, tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, yếu tố này cũng không thể cứu vãn đà đi xuống của thị trường khi thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 6-2018 là 125.659 xe, giảm 6% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, các dự báo cũng như số liệu cũng đang cho thấy sự “nóng” trở lại của thị trường xe hơi vào những tháng cuối năm. Thực tế, lượng ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc đã tăng mạnh trở lại từ tháng 6, đạt 3.356 chiếc với trị giá hơn 82 triệu USD, tăng 45,6% về lượng và 21,4% về giá so với tháng 5. Chỉ tính riêng tuần từ ngày 27-7 đến ngày 2-8, số lượng ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc đã tăng gấp ba lần so với tuần trước với 1.935 chiếc, tương ứng tổng trị giá đạt 39,7 triệu USD. Các chuyên gia dự báo, nhập khẩu ô-tô từ quý III trở đi sẽ tăng mạnh so với hai quý đầu năm khi các DN thích ứng được các quy định mới, nhất là với Nghị định 116. Rõ ràng, khi đã làm quen với các thủ tục, những đơn hàng nhập khẩu ô-tô sẽ trôi chảy và dễ dàng hơn, giúp giải tỏa được “cơn khát” của khách hàng và cũng là cơ sở cho niềm tin doanh số ô-tô tăng mạnh trong thời gian tới, trùng với thời điểm doanh số bán xe tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm, thông thường bắt đầu từ tháng 9 hằng năm.

Xe cỡ nhỏ “lên ngôi”

Cùng với lượng tăng của ô-tô nhập khẩu, sự xuất hiện của nhiều dòng xe ăn khách cũng là một yếu tố khiến thị trường “nóng” trở lại về cuối năm. Ngay trong ngày đầu tháng 8, Toyota đã cho ra mắt các phiên bản 2018 mới của hai mẫu xe Vios và Yaris lắp ráp tại Việt Nam. Đây là những mẫu xe chiến lược của Toyota, liên tục giữ vững vị trí số một trong phân khúc xe du lịch cỡ nhỏ hạng trung và luôn ở tốp dẫn đầu danh sách những mẫu xe bán chạy nhất thị trường.

Bên cạnh đó, phân khúc xe ô-tô cỡ nhỏ giá rẻ cũng đang sôi động hơn với sự xuất hiện của hàng loạt mẫu xe mới nhập khẩu nguyên chiếc, với giá bán chỉ khoảng 300 triệu đồng. Những dòng xe mới như Toyota Wigo hay Celerio của Suzuki Việt Nam nhập khẩu từ Thái-lan,... được đánh giá sẽ là “đối thủ nặng ký” của Hyundai i10, Kia Morning và Chevrolet Spark vốn vẫn thống lĩnh thị trường trong phân khúc này lâu nay, góp phần tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Theo đánh giá của nhiều DN, phân khúc xe cỡ nhỏ rất có tiềm năng với doanh số liên tục có xu hướng tăng trưởng tốt. Với thu nhập của người Việt Nam hiện còn thấp, hạ tầng chưa hoàn thiện và giá xăng dầu cao, xu hướng sử dụng dòng xe cỡ nhỏ tiết kiệm nhiên liệu luôn là lựa chọn tối ưu.

Thực tế, mặc dù gọi là xe cỡ nhỏ nhưng các mẫu xe nêu trên đều có thiết kế bắt mắt cùng các trang thiết bị, công nghệ tương đối đầy đủ, nội thất và tiện nghi trung bình khá, giá bán phải chăng, mầu sắc của những mẫu xe khá đa dạng, phù hợp với tâm lý, sở thích của khách hàng, do đó được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là các khách hàng trẻ tuổi. Có thể thấy, sự kết hợp giữa chất lượng với nhiều tính năng hiện đại và giá bán phù hợp sẽ thu hút khách hàng của dòng xe nhỏ trong thời gian tới.

Ngày 9-8, Công ty Ô-tô Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, tổng doanh số bán hàng các mẫu xe Toyota trong tháng 7 vừa qua đạt 4.270 xe (không gồm Lexus), tương đương cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng doanh số bán các mẫu xe lắp ráp trong nước (CKD) gồm Vios, Innova, Camry và Corolla Altis tăng trưởng 50% so cùng kỳ, giữ vị trí cao trong danh sách các mẫu xe bán chạy. Doanh số cộng dồn các mẫu xe CKD của TMV trong bảy tháng năm nay đạt gần 29.700 xe, tăng 32% so cùng kỳ. 

Theo NGUYỆT BẮC/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm