Cập nhật: 19/08/2018 09:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) có những đặc điểm không thể pha trộn của vùng đất cực nam Tổ quốc. Ðó là những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa lâu đời và đa dạng, có núi non, biển cả, có cửa khẩu quốc tế thông với nước bạn Cam-pu-chia và có lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Phát huy truyền thống lịch sử, thị xã Hà Tiên đang bứt phá, vươn lên, hứa hẹn một thời kỳ phát triển rực rỡ.

Bãi biển Mũi Nai, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Trước năm 1945, Hà Tiên là tỉnh gồm hai huyện Hà Tiên và Phú Quốc. Tháng 8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tiên diễn ra khá thuận lợi. Khi ấy, Ðảng bộ tỉnh Hà Tiên chỉ đạo đồng chí Nguyễn Ngọc Lầu thuyết phục Tạ Trung Can - Ðốc phủ, Tỉnh trưởng của Nhật hỗ trợ cách mạng. Ngày 28-8-1945, Ðảng bộ tỉnh phát động tất cả thanh niên, các lực lượng cách mạng, nhân dân từ khắp nơi tiến về trung tâm thị xã Hà Tiên với một khí thế như thác đổ và không gặp một thế lực kháng cự nào. Lực lượng cách mạng nhanh chóng chiếm được tòa bố, các công sở. Do kết quả của quá trình vận động từ trước, Tạ Trung Can đã bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng, sau khi giao nộp vũ khí, lực lượng binh lính cũng hòa vào dòng người biểu tình. Ðoàn người kéo đến Tơ-nít (Tennis) tổ chức mít-tinh và bầu Ủy ban nhân dân gồm bảy người, do đồng chí Nguyễn Ngọc Lầu làm Chủ tịch. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Ðảng bộ Hà Tiên tiếp tục lãnh đạo quân và dân lập nên nhiều thành tích trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Mảnh đất Hà Tiên còn ghi dấu ấn của những cuộc chiến đấu hào hùng bảo vệ Tổ quốc. Di tích nhà tù Hà Tiên nằm cạnh trụ sở Thị ủy và UBND thị xã, trước đây là nơi giam cầm những người cộng sản. Trong thời kỳ Pháp chiếm đóng, nhà tù là trại tạm giam, sau đó làm kho chứa vũ khí của Mỹ - ngụy. Tháng 5-1930, Chi bộ Cộng sản Hà Tiên gồm năm đồng chí được thành lập tại nhà tù, đứng đầu là đồng chí Bí thư Nguyễn Viết Thị. Từ trong ngục tối, chi bộ nhà tù đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ giam cầm, xây dựng tổ chức Ðảng trong nhà tù. Tiếng nói của những người cộng sản được đông đảo nhân dân ủng hộ, cảm hóa nhiều binh sĩ. Khi Nhật đảo chính Pháp, quản tù Nguyễn Văn Lợi đã mở ngục cho gần 500 tù nhân thoát ra ngoài, trong đó có hàng trăm tù chính trị. Chính những người tù cộng sản đã được thử lửa trong lao tù đã đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Tiên. Ngày nay, nhà tù trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng và lòng yêu nước.

Người dân Hà Tiên luôn tự hào được sở hữu vùng đất danh tiếng ở đồng bằng châu thổ Cửu Long. Những địa danh như núi Pháo Ðài, Thạch Ðộng, Tô Châu, Bình San, Ðá Dựng, bãi biển Mũi Nai, đầm Ðông Hồ, quần đảo Hải Tặc, cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với các câu chuyện cổ tích, những huyền thoại trong tiến trình chinh phục, mở mang bờ cõi, đấu tranh sinh tồn của cha ông được khách du lịch quan tâm tìm hiểu. Năm 2017, du khách đến Hà Tiên đạt hơn 2,1 triệu lượt người. Sáu tháng đầu năm 2018, Hà Tiên đón gần 1,5 triệu khách, tăng 26% so cùng kỳ năm trước. Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Mũi Nai Nguyễn Văn Hạnh cho biết: Khách đến với Hà Tiên không tấp nập hay tập trung vào những ngày lễ, Tết, mà trải đều các tháng trong năm, cho nên ở Hà Tiên không xảy ra tình trạng "cháy" phòng hay quá tải.

Thời gian qua, nhằm phát huy lợi thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, Ðảng bộ thị xã chú trọng phát triển kinh tế du lịch và kinh tế biên mậu. Ðồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Hà Tiên xác định du lịch là ngành kinh tế động lực, mũi nhọn cho nên tiếp tục tập trung đầu tư phát triển. Trước mắt, thị xã triển khai các đề án, kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, lên kế hoạch bảo tồn và phục hồi những cảnh quan bị xuống cấp do thời gian, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các khu vui chơi giải trí, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng… Quần đảo Hải Tặc (xã đảo Tiên Hải) trở thành khu du lịch mới thu hút nhiều khách tham quan. Hoạt động thương mại và xuất, nhập khẩu ở Hà Tiên diễn ra nhộn nhịp và có bước tăng trưởng ổn định. Sáu tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu bán lẻ đạt 4.358 tỷ đồng, tăng 12%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 30 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu hơn 24 triệu USD.

Vừa qua, thị xã Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành các thủ tục trình các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ xem xét quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và nâng cấp đô thị Hà Tiên lên thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên có tổng diện tích 1.600 ha, gồm bốn phường: Pháo Ðài, Tô Châu, Ðông Hồ, Bình San và xã Mỹ Ðức; được tổ chức thành các khu chức năng, gồm khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Thành phố Hà Tiên sẽ được thành lập trên cơ sở thị xã Hà Tiên, có diện tích hơn 10.048 ha, dân số hơn 81 nghìn người, gồm bảy đơn vị hành chính trực thuộc. Nhìn về triển vọng lâu dài, đồng chí Ðặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Kiên Giang khẳng định: "Hà Tiên trở thành thành phố sẽ tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt Chương trình phát triển đô thị của quốc gia. Ðây cũng là nguyện vọng của nhân dân Hà Tiên nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung. Thành phố được thành lập sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo của Tổ quốc".

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm