Nhiều hoạt động sân khấu đang được triển khai nhân tưởng niệm 30 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (29-8-1988). Bên cạnh những vở diễn, đêm thơ - nhạc - kịch trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tổ chức một hội thảo về kịch Lưu Quang Vũ. Ðiều đó cho thấy, các tác phẩm của ông vẫn còn nguyên những giá trị thời sự và nhân văn.
Cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Nhà hát Tuổi trẻ.
Dấu ấn thời sự
Những tác phẩm của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tạo dấu ấn với sân khấu Việt Nam từ năm 1980. Ðặc biệt, năm 1985, tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc, trong tám vở kịch ông tham gia hội diễn có đến sáu vở giành được Huy chương vàng, hai vở đoạt Huy chương bạc - một con số kỷ lục trong làng sân khấu nước ta cho đến thời điểm này. Qua đời ở tuổi 40, ngoài các tác phẩm thơ ca, Lưu Quang Vũ đã để lại hơn 50 vở kịch. Từ những chi tiết gần gũi, có thật trong cuộc sống, ông đã khái quát để trở thành chi tiết nghệ thuật trong các kịch bản vở diễn và từ đó lại được phổ vào đời sống nhân dân một cách chân thực.
Hơn 30 năm trôi qua, tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ vẫn đáp ứng được thông điệp thời đại, vẫn có được sức sống trong lòng người xem. Có thể thấy điều này qua vở diễn Lời thề thứ chín nằm trong chuỗi tác phẩm đang được Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn và cũng từng lưu diễn khắp các nơi trong nước, giành nhiều huy chương với thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực, nói lên sự bức xúc, trăn trở của người dân về sự bất cập của chính quyền cơ sở, một vấn đề rất thời sự trong thời điểm hiện tại. Một vở diễn khác là Nguồn sáng trong đời đặt ra câu hỏi và những tranh luận thế nào là đạo đức y học qua việc một bác sĩ nghiên cứu về hiến tạng cứu người đầy tính nhân đạo, nhưng quá trình thực hiện lại bị chỉ trích, nghi ngại. Chi tiết người bác sĩ nảy ra ý tưởng đến khoa ung thư, xin giác mạc của những người đã chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết để cứu đôi mắt cho người sống rồi bị đồng nghiệp ngăn cản vì lý lẽ “bệnh nhân cần giành giật sự sống đến phút cuối cùng, không ai được phép nói với họ về cái chết” đến nay vẫn là câu hỏi chung cho xã hội, được quan tâm, bàn luận dưới nhiều góc độ. Hoa cúc xanh trên đầm lầy lại là kịch bản sân khấu hiếm hoi hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng, thể hiện nhãn quan vượt thời đại khi tác giả đi sâu khai thác những yếu tố mới mẻ ngay cả trong cuộc sống đương đại. Vở diễn xoay quanh trạng thái của các nhân vật khi gặp lại quá khứ hay nhìn thấy tương lai của mình đầy mâu thuẫn, cuốn hút giữa những giá trị đối nghịch nhau để kết cục bật lên thông điệp xuyên thời gian: “Hạnh phúc, mới thực là điều người ta mong mỏi nhất”. Kịch Lưu Quang Vũ rất đa dạng về thế giới nhân vật với đủ mọi tính cách, xuất thân từ nhân vật dân gian trong các vở: Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá… hay các nhân vật lịch sử của những vở: Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa cho đến những nhân vật đương đại của cuộc sống hôm nay ở lĩnh vực giáo dục: Mùa hạ cuối cùng, lĩnh vực y tế: Nguồn sáng trong đời, Hạnh phúc của người bất hạnh và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa...
Ðổi mới trong dàn dựng, diễn xuất
Có nhiều lý giải vì sao kịch Lưu Quang Vũ vẫn thu hút người xem, tạo ra được niềm đam mê cho đạo diễn và các nghệ sĩ, diễn viên. Bên cạnh tính thời sự và giá trị nghệ thuật, nhân văn, còn một yếu tố quan trọng là lối dàn dựng, diễn xuất, hóa thân trong từng vai diễn, phù hợp đời sống đương đại. Như trong vở Lời nói dối cuối cùng của Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn - NSƯT Chí Trung đã quyết định đẩy mạnh yếu tố hài hước, song không làm mất đi tính chính kịch. Bối cảnh chuyển đổi sân khấu cũng linh hoạt, đối lập rõ rệt hơn khiến khán giả hứng khởi, vỗ tay tán thưởng sau mỗi lần chuyển cảnh.
Cũng từ hiện tượng những vở kịch Lưu Quang Vũ của Nhà hát Tuổi trẻ vẫn tiếp tục “đỏ đèn” trong bối cảnh khó khăn của sân khấu, thậm chí một số sân khấu kịch phía nam đã đóng cửa vì nghệ sĩ không còn nhận vai diễn, khán giả đến rạp thưa thớt dần, đặt ra vấn đề làm gì và làm thế nào để sân khấu kịch “sống” được trong lòng công chúng, phục vụ tinh thần nhân dân một cách sôi động, thiết thực. NSƯT Chí Trung cho biết, những nghệ sĩ đang bám trụ với nghề vẫn tìm mọi cách để truyền lửa tới đồng nghiệp, khán giả. Ngoài việc nỗ lực tiếp cận tác phẩm gốc theo chiều sâu, kết hợp với giới nghệ sĩ, nghiên cứu phê bình thì các đạo diễn cũng tính đến chuyện làm mới vở kịch, cập nhật một số yếu tố đương đại từ chi tiết nhỏ nhất như giới thiệu trailer kịch tới khán giả như cách mà điện ảnh thực hiện, lồng ghép những bản nhạc được sáng tác độc quyền. Chẳng hạn, vở kịch Nguồn sáng trong đời được lồng ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Tiến Minh do ca sĩ trẻ Ðông Hùng thể hiện. Ca khúc xuất hiện ở phân đoạn hai nhân vật gặp gỡ trong bế tắc và vang lên lần nữa khi kết thúc vở kịch, bệnh nhân được phẫu thuật thành công gợi nhiều niềm xúc động với khán giả.
PGS, TS Lưu Khánh Thơ và là em gái nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cho biết: “Ngày anh tôi còn sống, anh rất mong những vở kịch của mình đến được vùng sâu, vùng xa, những nơi khán giả không có điều kiện, không có tiền mua vé đến nhà hát. Sau khi anh qua đời, một phần ước nguyện của anh đã trở thành hiện thực. Gia đình chúng tôi rất hạnh phúc khi thấy ngoài các nghệ sĩ lớn có những diễn viên còn rất trẻ đam mê chính kịch, chỉ cần đèn sân khấu bật sáng, dưới hàng ghế khán giả lác đác người là họ diễn say sưa. Thời điểm này, khi Nhà hát Tuổi trẻ diễn vở Lời nói dối cuối cùng, tôi lại nhớ lần đầu vở kịch này được công diễn vào năm 1985 đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ vàng đầu tiên ở Nhà hát Tuổi trẻ như Lê Khanh, Ðức Hải, Minh Hằng... góp mặt trong tác phẩm. Ngày ấy, nghệ sĩ Minh Hằng sống cùng khu nhà với anh Vũ nên rất nhiều đêm, khi trời đã rất khuya, chị vẫn sang đứng ở cửa trò chuyện, bàn luận với anh tôi về vở diễn. Cả tôi và các nghệ sĩ có lẽ không bao giờ quên không khí đặc biệt của những năm tháng ấy”.
Theo MAI LỮ/nhandan.com.vn