Sản phẩm của làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội lâu nay vẫn còn hạn chế lớn ở khâu thiết kế mẫu mã. Nếu không có những giải pháp khắc phục điểm yếu này, thì đây sẽ luôn là rào cản cho mặt hàng này khi mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
Thợ thủ công hoàn thiện một sản phẩm từ hoa khô.
Mẫu mã sản phẩm đơn điệu, kém hấp dẫn đang là điểm yếu của mặt hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta nói chung, làm cản trở giá trị gia tăng của dòng sản phẩm này. Ông Nguyễn Anh Hiếu, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Trúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, hiện sản phẩm của làng nghề chủ yếu làm theo các mẫu truyền thống hoặc làm theo mẫu của nước ngoài do các khách hàng mang tới. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang bị động trong tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đây là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là cơ sở quy mô nhỏ. Do hạn chế về nguồn lực, các cơ sở này không dám đầu tư đội ngũ thiết kế riêng, cũng thiếu điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Còn nếu bỏ công sức đầu tư thiết kế mẫu mã bài bản, thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị các cơ sở khác làm nhái, do vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Do đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất cần sự hỗ trợ của các bên trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.
Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã giới thiệu cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2018 với chủ đề "Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch", nhằm khuyến khích mọi người phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu mã cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ban tổ chức mong muốn, qua cuộc thi sẽ tạo ra khoảng 250 đến 300 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu ngày càng cao của thị trường.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái cho biết, hiện thành phố có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó các làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm số lượng lớn. Thành phố đã tổ chức được năm cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cấp thành phố, thu hút sự tham gia của gần 560 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, giáo viên, sinh viên và những người yêu thích ngành thủ công mỹ nghệ. Qua đó, lựa chọn được hàng trăm mẫu thiết kế đạt chất lượng, giới thiệu tới các cơ sở sản xuất. Việc này góp phần quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để hỗ trợ sản xuất làng nghề phát triển. Đồng thời, thành phố cũng đã hỗ trợ 69 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thiết kế 276 mẫu sản phẩm mới đưa ra thị trường; tổ chức 55 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính... cho hơn 5.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn...
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đổi mới mẫu mã vẫn phải là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thay đổi tư duy, cách sản xuất và tiếp cận thị trường. Giám đốc Công ty CP Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết: “Để sản phẩm của công ty có thể đến với nhiều thị trường hơn, chúng tôi đã tham gia nhiều hội chợ trong nước và ngoài nước để tham khảo các mẫu mã, xu hướng của thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp lớn. Đồng thời, công ty ký hợp đồng với các họa sĩ, chuyên gia thiết kế, tăng cường đào tạo khâu thiết kế cho cán bộ trong công ty để có thể sản xuất được nhiều hơn sản phẩm đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng”. Nhờ chú trọng thiết kế, sản phẩm gốm sứ của đơn vị đã tiếp cận được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ… Điều đó cho thấy, nếu việc thiết kế mẫu mã sản phẩm cho các làng nghề được coi trọng, nhất là tính ứng dụng, tính thẩm mỹ của mỗi dòng sản phẩm thì hàng thủ công mỹ nghệ sẽ tăng giá trị và có sức cạnh tranh tốt hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho doanh nghiệp và người làm nghề thủ công mỹ nghệ.
Bài và ảnh: Gia Minh
Theo nhandan.com.vn