Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương diễn ra phức tạp, khiến lòng sông bị rút ruột, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, làm hư hại nhiều diện tích cây trồng, nhà cửa của người dân sống hai bên bờ sông. Chính quyền cơ sở chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng này.
Sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát trái phép tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Bá Đạt, tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) buộc phải dỡ bỏ một phần nhà, vật kiến trúc và tiến hành đóng cọc nhồi, đổ bê-tông gia cố bờ bao, nhằm cứu vãn phần diện tích đất khỏi bị sụp xuống sông Đồng Nai. Trước đây, nhà ông Đạt cũng đã được đổ bê-tông kè bờ bao chống sạt lở, nhưng dần dần phần dưới lòng đất sát bờ sông suy yếu tạo thành “hàm ếch” khoét sâu vào trong, khiến tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, thậm chí gãy luôn đà móng. “Do khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian dài trên sông Đồng Nai khu vực này, cho nên bây giờ mới xảy ra hậu quả như vậy. Đất bị lún, móng gãy hàng chục mét , tôi đã phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng để gia cố bờ bao và sửa lại nhà”, ông Đạt nói trong tâm trạng thấp thỏm lo sợ đến một lúc nào đó nhà mình bị dòng sông “nuốt chửng”. Nạn khai thác cát trái phép cũng bùng phát trở lại trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc huyện Vĩnh Cửu. Xót xa chứng kiến vườn nhà trôi tuột xuống sông, ông Võ Văn Phú, ở ấp 2, xã Bình Lợi cho hay: “Hằng đêm, từ 0 giờ đến 2 giờ sáng là thời điểm các thuyền hút cát trái phép hoạt động rầm rộ nhất. Rọi đèn phát hiện nhiều người đang hút cát từ lòng sông, tôi lập tức báo cho chính quyền. Khi công an, dân quân xuất hiện, thì các đối tượng nhanh chóng cho ghe chạy qua phía bên kia sông thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Tình trạng này cứ lặp đi, lặp lại”. Cũng tại xã Bình Lợi, đất khu vực doanh trại của Lữ đoàn 25 (Bộ Tư lệnh Quân khu 7) đang bị sạt lở đáng báo động. Thượng úy Trương Văn Ninh, một Đại đội trưởng của Lữ đoàn cho biết, có đêm chỉ sau một trận mưa, sạt lở đã ăn sâu vào doanh trại hơn 2 m. Tính tới thời điểm này, 1.500 m2 đất mà đơn vị quản lý đã “biến mất”, ảnh hưởng xấu đến các công trình phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Mới đây, Lữ đoàn 25 đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Công an tỉnh Đồng Nai sớm có biện pháp chấm dứt nạn khai thác cát trái phép.
Ở địa phương giáp ranh là tỉnh Bình Dương, do nạn khai thác cát trái phép dai dẳng trên sông Đồng Nai, nhiều nhà cửa, ruộng vườn khu vực cù lao Rùa, thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, ngày đêm bị ăn mòn, tuột theo dòng nước. Chỉ sau một đêm hồi đầu tháng 8 này, toàn bộ ngôi nhà mới xây cất kinh phí hơn nửa tỷ đồng của hộ ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã sạt xuống sông. Trước đó, ông Nghĩa đã gia cố bê-tông phần bờ sông rồi mới xây nhà, nhưng không giải quyết được vấn đề. Lo lắng bao trùm hàng nghìn cư dân cù lao Rùa, khi tốc độ sạt lở diễn ra quá nhanh, như vị trí Cổ Rùa đoạn rộng nhất trước đây hơn 250 m, nay chỉ còn nổi lên mặt nước khoảng 80 m.
Bài toán khó giải?
Việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông hầu như không làm được - thực tế đáng lo ngại này đã được chính quyền cơ sở một số nơi thừa nhận. Bởi lẽ, địa phương không có phương tiện chuyên dụng; lực lượng chuyên ngành mỏng, cho nên mỗi khi phát hiện các đối tượng khai thác cát chỉ dừng lại ở việc xua đuổi đi nơi khác và báo cáo cấp trên. “Ở trên bờ, chúng tôi có thể triển khai lực lượng ngăn chặn được, còn ở dưới sông thì rất khó”, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi Lê Hoàng Long nêu thực tế. Ở phía bên kia sông Đồng Nai, đối diện với xã Bình Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) Trương Văn Thanh Giang cho biết: “Đối tượng bơm hút cát thường chọn đoạn sông giáp ranh địa giới hành chính giữa hai tỉnh để hoạt động vào ban đêm. Khi bị tỉnh này phát hiện, truy đuổi, chúng nhanh chóng chạy qua tỉnh kia, địa phương khó phối hợp tức thì”.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân làm phép tính: riêng đoạn sông Đồng Nai qua xã Bình Lợi thường xuất hiện khoảng 10 ghe hoạt động bơm hút cát, luân phiên khoảng 40 lượt mỗi đêm; bình quân mỗi ghe khai thác lượng cát bán được khoảng sáu triệu đồng. Như vậy, doanh thu mang lại từ hút cát trái phép lên đến hơn 200 triệu đồng/đêm, cho nên các đối tượng có thái độ, hành vi bất chấp pháp luật. Trong khi cấp huyện, xã tỏ ra bất lực, đồng chí Trần Trung Nhân kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp lập chuyên án đấu tranh, có như vậy mới hy vọng giải quyết được bức xúc.
Tại TP Biên Hòa, chỉ trong bốn ngày cuối tháng 7-2018, lực lượng liên ngành đã bắt quả tang hai vụ bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, thu giữ năm chiếc ghe. Đó là nhờ nơi đây đã được lắp đặt ca-mê-ra giám sát ở một số khu vực trọng điểm. Theo Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Phạm Anh Dũng: “Khâu quan trọng nhất cần làm là phối hợp người dân theo dõi, giám sát hoạt động khai thác cát, vì các đối tượng khá tinh vi và manh động, luôn tìm mọi cách qua mặt lực lượng chức năng”.
Trên phạm vi toàn tỉnh Đồng Nai, bảy tháng đầu năm 2018, lực lượng công an đã bắt hơn 70 vụ khai thác cát trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn như, việc tịch thu phương tiện chỉ áp dụng đối với loại tải trọng hơn 30 tấn, cho nên các đối tượng thường “lách” luật bằng cách chỉ sử dụng loại ghe nhỏ hơn. Một bất cập nữa trong quá trình xử lý nạn khai thác cát trái phép như Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai phản ánh là: Không xử lý hình sự được, vì khó quy vào khung tội danh gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định hiện hành. Vừa qua, số phương tiện tịch thu được của các đối tượng bơm hút cát quá nhiều, cho nên lực lượng chức năng chỉ còn cách tập kết về trước trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, sau đó cho nhấn chìm xuống sông. Trước đây, khi tiến hành thanh lý các loại ghe này, chính các đối tượng khai thác cát trái phép lại đến tham gia mua về để tiếp tục hoạt động.
Nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai chưa thật sự hạ nhiệt. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương có tuyến sông Đồng Nai đi qua cần củng cố tổ công tác liên ngành. Đồng thời, lực lượng công an cần tăng cường phối hợp xử lý ngay từ cơ sở. Các cơ quan liên quan cần siết chặt quản lý việc cấp phép bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông Đồng Nai, vì một số điểm chính là nơi tiêu thụ cát “lậu”, tiếp tay đắc lực cho các đối tượng khai thác cát trái phép.
Bài và ảnh: THIÊN VƯƠNG
Theo nhandan.com.vn