Cập nhật: 25/08/2018 10:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm qua, ngành du lịch TP.HCM đã khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, tuy nhiên trong thời kỳ mới lại đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong năm 2017, thành phố đã đón gần 6,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 24,9 triệu lượt khách nội địa tăng tương ứng 22,8% và 14,6% so với năm 2016; Tổng thu du lịch cũng có mức tăng ấn tượng với hơn 40 tỷ lần trong vòng 10 năm, giai đoạn từ năm 1997-2017.

Nếu năm 1997 là 2.887 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã đạt hơn 115.000 tỷ đồng.

Tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành du lịch trong cơ cấu GRDP của thành phố hiện chiếm khoảng 11%.

Du lịch Thành phố Hồ chí minh, phát triển chưa xứng tiềm năng.

Thiếu chiến lược và quy hoạch tổng thể

Thách thức lớn nhất hiện nay là du lịch thành phố đang phát triển trên cơ sở thiếu chiến lược và quy hoạch tổng thể. Được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước nhưng TP.HCM đi sau rất nhiều địa phương khác trong xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể du lịch. Hiện thành phố vẫn đang trong quá trình xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong buổi tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP.HCM - 25 năm thành công và thách thức” mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel bày tỏ lo lắng: “Du lịch thành phố không định vị được, vô hình chung sẽ đánh mất nguồn lực, đánh mất tiềm năng. TP.HCM cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn 2045”. Đồng tình với quan điểm này, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh: “Du lịch thành phố phải có quy hoạch, có chiến lược thì mới có sự phát triển đồng bộ và rõ nét hơn. Nếu không du lịch thành phố sẽ thiếu bản sắc, thiếu giá trị cốt lõi, điều này khiến cho các sản phẩm du lịch rời rạc”.

Sản phẩm du lịch nghèo nàn

Hiện các sản phẩm du lịch và các dịch vụ bổ trợ cho du lịch thành phố còn nghèo nàn.

TP.HCM đang sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng gồm: 234 tài nguyên văn hóa vật thể, 120 tài nguyên nhân tạo trong số 386 tài nguyên du lịch; hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú, đa dạng; hệ thống đường sông trong lòng đô thị; nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị; văn hóa nghệ thuật, công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển mạnh.

Nhưng để khai thác tốt cần có chiến lược và cả sự đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố nên có thêm các sản phẩm mới với nhiều chợ đêm và những phố đi bộ du lịch đúng nghĩa.

TP. HCM phải là trung tâm ẩm thực và hình thành tam giác trọng điểm du lịch, lấy các quận 1, 3, 5 làm trung tâm kết nối đến các huyện Củ Chi, Hóc Môn với loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, làng nghề, văn hóa, lịch sử… Cùng với đó, phát triển Cần Giờ thành trung tâm du lịch sinh thái rừng ngập mặn và các liên hợp trò chơi mạo hiểm.

Cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực

Từ việc thiếu chiến lược và quy hoạch tổng thể của ngành dẫn đến hàng loạt thách thức khác được đặt ra. Đó là, nguồn nhân lực du lịch của thành phố không được đào tạo bài bản.

Thành phố cũng chưa có chính sách và chiến lược về mức lương, chế độ để thu hút nhân lực chất lượng cao, vì thế nguồn nhân lực được đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hơn nữa khi thực hiện các thỏa thuận về di chuyển dòng lao động tự do giữa các nước trong khu vực, du lịch thành phố còn phải đối mặt với cạnh tranh nguồn nhân lực của các quốc gia khác.

Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng, yếu tố nhân lực luôn đóng vai trò then chốt. Có đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin và có đầu tư cho đúng, đủ để ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch thì mới cung cấp cho du khách những thông tin chuẩn xác nhất.

Hiện, TP.HCM thực hiện áp dụng cơ chế đặc thù là cơ hội không thể tốt hơn để phát triển ngành du lịch thành phố. Trong bối cảnh đó, TP.HCM cần gắn du lịch vào tầm nhìn và định vị của thành phố trong phát triển kinh tế mới có thể thúc đẩy du lịch thành phố phát triển xứng với tiềm năng./.

Theo Thùy Dung/VOV.VN

Tệp đính kèm