Cập nhật: 27/08/2018 10:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bảy tháng vừa qua, số thu nội địa do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt gần 50% so với dự toán. Có thể thấy, kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khá so với nhiều năm gần đây, cả về tiến độ và tốc độ tăng thu.

Người dân làm các thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: NGỌC THẠCH

Để có kết quả này, ngành thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến người nộp thuế, nhất là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Thống kê cho thấy, có tới gần 550 nghìn lượt giải đáp qua điện thoại, hơn 10 nghìn văn bản giải thích vướng mắc về chính sách, thủ tục thuế; tập huấn cho 150 nghìn lượt cán bộ thuế và người nộp thuế; hơn 650 buổi đối thoại cho hơn 45 nghìn lượt người nộp thuế… Đây là giải pháp được ngành thuế rất chú trọng, bởi không những giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh, mà còn tiết kiệm rất nhiều thời gian so với việc giải quyết, xử lý theo thủ tục hành chính, vừa gây bức xúc cho người nộp thuế, vừa tạo sự mệt mỏi không đáng có cho công chức thực thi nhiệm vụ.

Theo Tổng cục trưởng Thuế Bùi Văn Nam, việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hồ sơ khai thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phát sinh, nộp không đúng, không đủ số thuế phải nộp,... đóng vai trò rất quan trọng, bởi từ đó sẽ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật về thuế. Giải pháp này được coi là công cụ hữu hiệu nhằm đưa hoạt động quản lý thuế thật sự mang tính chất hậu kiểm như mục tiêu đã đề ra. Ngoài ra, ngành còn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, chủ yếu thực hiện hoàn thuế điện tử đối với số hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu và đầu tư.

Để làm tốt công tác hậu kiểm, ngành thuế còn tiếp tục tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế ngay từ đầu năm. Công tác này tập trung vào những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế, về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, về ưu đãi thuế, các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ. Ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 100 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 362,41 tỷ đồng, tăng 98,77 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 1.300 tỷ đồng, tăng tới 356 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Do triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế, nên đã đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ thuế mới phát sinh. Việc xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế hằng năm đến từng đơn vị và cá nhân người đứng đầu cơ quan thuế đã phát huy tác dụng, khi cả hệ thống, từ các lãnh đạo tổng cục tới từng đội trưởng, từng cán bộ thuế đều phải chủ động trong công việc này. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa bộ phận quản lý nợ với bộ phận kê khai, thanh tra, kiểm tra thuế trong nội bộ, với các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước, các cơ quan liên quan... Kết quả, cơ quan thuế các cấp đã đôn đốc thu được gần 18 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế.

Tuy nhiên, tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm hết tháng 5 vừa qua lại tiếp tục tăng 11%, lên tới 82 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, trong số tiền nợ thuế tăng này có số nợ là tiền thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) với 34 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với thời điểm cuối năm 2017. Nếu không kịp thời có chính sách xử lý loại nợ này thì rất có thể số “nợ xấu” này sẽ còn gia tăng theo từng năm.

Tổng cục Thuế đã xác định nhiệm vụ công tác thuế trọng tâm những tháng cuối năm, theo đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn lậu thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; cải cách thủ tục hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, hỗ trợ khởi nghiệp. Tổ chức triển khai xây dựng dự toán thu NSNN năm 2019 và xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn giai đoạn 2019 - 2021 phù hợp với khả năng tăng trưởng kinh tế tại từng địa bàn. Đặc biệt, tập trung thực hiện các dự án luật lớn như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài sản… để tạo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu lực cho công tác thu NSNN.

Theo SÔNG TRÀ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm