Sử dụng công nghệ tương tự tại nhiều phòng khám của các bác sỹ chuyên khoa mắt, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Washington tại St. Louis đã tìm thấy nhiều bằng chứng về việc có thể phát hiện sớm các triệu chứng mắc bệnh Alzheimer ở người cao tuổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: sciencealert.com)
Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật chụp cắt lớp cố kết quang học để kiểm tra võng mạc của 30 người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi trung bình khoảng 70 tuổi. Điều đặc biệt là không ai trong số những người này có các triệu chứng lâm sàng của bệnh Alzheimer.
Theo kết quả nghiên cứu, ở những người có lượng cao protein tau - yếu tố được cho là tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, các nhà khoa học phát hiện võng mạc của họ mỏng đáng kể và một số vùng thiếu mạch máu ở trung tâm võng mạc. Vùng thiếu mạch máu này mở rộng ở những người khởi phát bệnh Alzheimer.
Các nhà khoa học cho biết cần tiến hành nghiên cứu thêm để khẳng định kết quả trên. Tuy nhiên, nếu quy trình khám mắt thay đổi có thể được dùng để phát hiện nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, điều này có tiềm năng giúp khám sàng lọc những người có nguy cơ bị Alzheimer từ độ tuổi 40 hoặc 50 tuổi.
Alzheimer là chứng bệnh suy giảm trí nhớ có liên quan tới tuổi già. Cơ chế bệnh lý Alzheimer rất phức tạp, trong đó các yếu tố về gien đóng vai trò cơ bản. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ.
Bệnh Alzheimer có thể gây tổn hại đáng kể đến não bộ nhiều năm trước khi xuất hiện một số triệu chứng như mất trí nhớ và suy giảm nhận thức.
Bệnh nhân Alzheimer có thể tích tụ protein tau trong não 20 năm trước khi các triệu chứng khởi phát. Do đó, các nhà nghiên cứu đang tìm cách để phát hiện sớm hơn các triệu chứng căn bệnh này.
Kết quả nghiên cứu mới trên được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa JAMA ngày 23/8.
Theo TTXVN/VIETNAM+
https://www.vietnamplus.vn/co-the-phat-hien-trieu-chung-benh-alzheimer-qua-kham-mat/521538.vnp