Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Những buôn làng K'Ho trở thành điểm đến mới lạ với du khách khi tới Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu, số lượt khách du lịch và thời gian khách lưu trú đều tăng.
Công tác cải cách hành chính và hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, chăm lo công tác đối với người có công với cách mạng được quan tâm.
Bên cạnh kết quả đạt được, Lâm Đồng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thật sự bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp; chưa khai thác và phát huy được hết tiềm năng phát triển du lịch...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, Lâm Đồng chú trọng ba trọng tâm phát triển là: Nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông sản; du lịch, dịch vụ gắn với nông, lâm nghiệp.
Tỉnh Lâm Đồng cần tập trung quyết liệt triển khai các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực; lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên, đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo; đồng thời tổ chức xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý để sàng lọc, thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế gắn với thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ cho xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh; xây dựng và bảo vệ, phát triển thương hiệu các sản phẩm chè, cà phê, rau, hoa, quả; ưu tiên nguồn lực đầu tư, quan tâm phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ... tạo việc làm, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh cần thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng giảm tỷ trọng khai thác, tăng chế biến và chế biến sâu; phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà tỉnh có lợi thế; tiếp tục thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng chú trọng phát triển du lịch, để du lịch Lâm Đồng có những nét riêng, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt, đồng thời đầu tư phát triển du lịch, tạo kết nối vùng Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh, Nam bộ và Duyên Hải Nam Trung bộ cũng như khu vực và quốc tế. Sản phẩm du lịch cần được đa dạng hóa đi đôi với bảo đảm chất lượng và thương hiệu, để du khách đến đông hơn, thời gian lưu trú dài hơn và tiêu dùng, mua sắm nhiều hơn.
Tỉnh Lâm Đồng cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI và PAPI, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo; đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp theo hướng liêm chính, phục vụ; thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; tăng cường đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông.
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; quan tâm các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, dự án về giảm nghèo, đặc biệt tại huyện Đam Rông và các xã đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/lam-dong-can-chu-trong-tap-trung-phat-trien-3-trong-tam/522273.vnp