Cập nhật: 04/09/2018 10:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hơn ba mươi năm qua, nước ta đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong việc phát triển con người, song không đồng đều và có xu hướng chững lại. Thực tế đó đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng cần có những giải pháp giúp con người Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới.

Mục tiêu chung của phát triển con người là hướng tới việc nâng cao năng lực, tạo môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân có thể bộc lộ năng lực một cách toàn diện ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt chú trọng một số lĩnh vực: An sinh xã hội, giáo dục và y tế. Trong đó, bảo đảm an sinh xã hội được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội, nhằm giúp người dân có việc làm, thu nhập. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế là điều kiện quan trọng để con người thay đổi chính mình. Khi họ được đặt vào vị trí trung tâm thì sự phát triển của các lĩnh vực khác phải nhằm tạo ra những tiền đề về vật chất và tinh thần cho sự phát triển này. Theo đại diện Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, chỉ số phát triển con người là tổng hợp các kết quả đạt được về thu nhập, giáo dục, y tế...

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam có xu hướng chậm lại, giai đoạn 2006 - 2014 là 6,05%, trong khi đó nhóm các nước có thu nhập thấp (trung bình 6,08% và các nước có thu nhập trung bình thấp trung bình 6,09%). Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên như: Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, các động lực tăng trưởng ở Việt Nam đến ngưỡng giới hạn. Khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, thì sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động có kỹ năng với không có kỹ năng tăng nhanh. Mối liên kết giữa doanh nghiệp chính thức, không chính thức với các hộ sản xuất còn lỏng lẻo; nội lực sản xuất hàng hóa nước ta còn kém, các giá trị nhập khẩu lớn lại thường là nguyên liệu đầu vào dẫn đến giá trị gia tăng thấp; xu thế chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng; các vấn đề về biến đổi khí hậu... TS Tô Trọng Hùng (Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho rằng, việc tăng trưởng kinh tế chậm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Không chỉ như vậy, đến nay, hệ thống giáo dục và y tế chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới. Riêng chất lượng mầm non, cao đẳng, dạy nghề chưa đáp ứng được so với yêu cầu của xã hội; việc xã hội hóa trong quản lý giáo dục và y tế còn mang tính chất "hàng hóa công".

Ðể khắc phục những bất cập nêu trên, tới đây, các cơ quan liên quan cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Mở rộng việc làm có năng suất; cải thiện hệ thống dịch vụ giáo dục và y tế; đổi mới hệ thống an sinh xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới. Trong đó, cần duy trì tốt những thành tựu ở bậc giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và tăng cường cải thiện chất lượng, khả năng tiếp cận cấp mầm non, đào tạo nghề và đại học nhằm nâng cao khả năng của con người trong xu thế mới. Duy trì tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững, lồng ghép các chỉ tiêu về an sinh xã hội, y tế, giáo dục... để đạt mục tiêu đề ra ở giai đoạn mới. Ðể phát huy được nguồn lực con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển bền vững. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng này sẽ giúp Việt Nam cải thiện được các vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống con người như: Môi trường sống, xã hội, văn hóa. Và muốn phát triển con người trong điều kiện mới hiện nay, cần lấy con người làm trung tâm, vì con người và do con người.

Thế kỷ 21 là thời kỳ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ trên thế giới, là xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, để đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2030, ngày càng văn minh, giàu đẹp, nhất thiết phải gắn liền giữa thúc đẩy tăng trưởng với phát triển con người, trong đó coi con người là nhân tố quan trọng nhất. 

Theo PHẠM PHƯỜNG/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm