Ngày 4/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 11, thẩm tra các báo cáo của cơ quan tư pháp, chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.
Diễn ra trong hai ngày 4-5/9, tại Phiên họp thứ 11, Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành năm 2018; Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát và ngành Tòa án năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày cho thấy, đối với tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, toàn quốc xảy ra 40.088 vụ (giảm 4.03% so với cùng kỳ năm 2017), tính chất vẫn nghiêm trọng, mức độ bạo lực gia tăng; hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động, nhất là liên quan tới tín dụng đen, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại nhiều địa phương.
Tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, số vụ thanh, thiếu niên phạm tội tăng, tình trạng bạo hành, xâm phạm trẻ em nhất là hiếp dâm trẻ em xảy ra trên nhiều địa phương. Nhóm tội phạm liên quan tới chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (chiếm hơn 50%); một số băng nhóm trộm cắp hình thành với thủ đoạn tinh vi, manh động, tấn công lại người dân khi bị phát hiện, truy bắt.
Do tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp, tham nhũng từng bước được kiềm chế và ngăn chặn theo chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực "tham nhũng vặt" trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Qua các vụ án đã xử lý cho thấy tội phạm triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để liên kết, thông đồng, tạo ra các nhóm lợi ích hoặc móc ngoặc với khu vực nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, tạo ra sân sau, "công ty gia đình" để đấu thầu dự án, thâu tóm đất đai, đất công, cho vay, thế chấp rút tiền nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng...
Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường trình bày cho biết, năm 2018 cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 60.242 vụ án, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, một số nhóm tội phạm được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ (22,8%), tội phạm về ma túy (11,2%), tội phạm về trật tự xã hội (0,8%).
Cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có sự cấu kết giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ cơ quan Nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng; xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống...
Trong năm, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội.
Tất cả vụ án hình sự đã được kiểm sát ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; ban hành 4.620 văn bản yêu cầu xác minh, giải quyết, tăng hơn 33%, yêu cầu khởi tố hơn 500 vụ án, tăng hơn 40%... qua đó bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã phát hiện đều được xem xét khởi tố kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm và ngăn chặn oan sai.
Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao do Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du trình bày, nêu rõ tình hình tội phạm tuy tiếp tục được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, xuất hiện một số phương thức phạm tội mới, nhất là hiện tượng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội; hoạt động đấu tranh, phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, với việc khởi tố để điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có xu hướng gia tăng, phức tạp.
Từ ngày 1/10/2017 đến ngày 31/7/2018, các Tòa án đã giải quyết được 354.145 vụ việc trong tổng số 475.610 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 74,5%). Số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.
Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay./.
Theo QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-toi-pham-van-o-muc-do-nghiem-trong-bao-luc-gia-tang/522708.vnp