Với 53 vở kịch ngắn, dài, hàng trăm bài thơ, truyện ngắn và những bài viết về sân khấu, tên tuổi Lưu Quang Vũ chưa bao giờ giảm sức hút và tình cảm trong lòng công chúng mặc dù ông đã đi xa 30 năm. Những vở kịch của ông, cho đến bây giờ, dù được dựng bởi Nhà hát nào, cũng đem lại cảm xúc mãnh liệt cho khán giả, bởi sự chân thực và gần gũi với cuộc sống mà khán giả ở thời đại nào cũng có thể soi chiếu mình.
Vở rối thử nghiệm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nhà hát múa rối Thăng Long.
Đưa hiện thực xã hội lên sân khấu
Kịch Lưu Quang Vũ từ khi mới xuất hiện đã luôn được người xem đón nhận nồng nhiệt. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, “Thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam cũng là đỉnh cao sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Nhiều kịch bản của ông đã chiếm lĩnh sân khấu cả nước, góp phần tạo nên diện mạo sân khấu những năm 1970, 1980. Cho đến nay, Lưu Quang Vũ là người trẻ nhất trong hàng ngũ kịch tác giả Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật lĩnh vực sân khấu đợt 2 năm 2000”.
NSND Lê Tiến Thọ phân tích: “Những năm 80, kịch của Lưu Quang Vũ ra đời như những luồng gió mới mang hơi thở của thời đại đến với sân khấu, vì kịch của ông luôn hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, là niềm khát khao cải tạo xã hội trong thời kỳ chuyển dạ của cơ chế. Kịch của ông nắm được những vấn đề nóng bỏng của xã hội mà khán giả quan tâm, cộng với khả năng quan sát tinh tế và tri thức xã hội uyên thâm của một nghệ sĩ tài năng, ông đã biến những chi tiết trong đời thường trở thành những trò diễn hấp dẫn, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mang tính khái quát điển hình, vươn tới ý nghĩa thời đại”.
Vở "Mùa hạ cuối cùng" của Nhà hát Tuổi trẻ tại Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ hồi năm 2013.
Tác giả, nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng: “Ngay cả lúc này, khi sân khấu đang có ít nhiều dấu hiệu thoái trào bởi sự thưa vắng, quay lưng của khán giả, hội chứng yêu kịch, hấp dẫn bởi kịch Lưu Quang Vũ ở những người yêu kịch, xem kịch vẫn gần như nguyên vẹn. Với những kịch bản mang yếu tố chính luận như “Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc và vô tận”, Lưu Quang Vũ đã phản ánh trung thực một xã hội duy ý chí, bóp nghẹt quyền sống, quyền làm người, nói hộ người xem những khát vọng về một cuộc sống bình đẳng, quyền sống con người được tôn trọng. Với những kịch bản hài, hay giả cổ như “Bệnh sĩ”, “Ông không phải là bố tôi”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, tác giả phê phán sự cổ hủ, sĩ diện hão, ưa thành tích, vô trách nhiệm với số phận con người của một thời bao cấp…”
“Hiện thực trong kịch bản Lưu Quang Vũ bắt đầu từ khả năng quan sát, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng trong đời sống một cách sắc sảo và tinh tế. Rất dễ nhận ra những sáng tạo đầy tài hoa của ông khi những chi tiết có thật trong cuộc sống được đưa vào trở thành những chi tiết nghệ thuật mang sức khái quát, có ý nghĩa mà không đao to búa lớn, như một lời tâm sự thủ thỉ với tất cả sự đồng cảm trong tiếng cười hài hước, trong sự phẫn nộ và yêu thương trước mỗi tình tiết” – nhà viết kịch Lê Quý Hiền chia sẻ. Ông cho biết, có vở kịch của Lưu Quang Vũ bị sửa tới 11 lần, và lần cuối cùng giống hệt bản đầu tiên của nhà viết kịch.
Sự đa dạng trong cách thể hiện
Lưu Quang Vũ cũng là một trong số ít ỏi kịch tác gia mà kịch bản có thể được dàn dựng trên rất nhiều loại hình sân khấu. Ngoài kịch nói, thì cải lương, chèo, các loại hình kịch hát đều có thể dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ, mà điển hình nhất là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, mới đây nhất đã được Nhà hát múa rối Thăng Long dàn dựng theo phong cách sân khấu thử nghiệm.
Nhà biên kịch Lê Quý Hiền phân tích: “Thường mỗi nhà hát có khán giả riêng của mình, vì nhu cầu thưởng thức khác nhau, từ sở thích, quan niệm khác nhau. Các tác giả kịch bản sân khấu cũng thường chuyên viết một thể loại nào đó. Nhưng với Lưu Quang Vũ, ông có thể tiếp cận mọi đề tài, mọi thể loại. Kịch bản của ông dù dựng trên sân khấu kịch hát, có tác giả chuyển thể, song đặc trưng loại hình trong cấu trúc kịch của ông vẫn có, khiến vở diễn kịch hát từ kịch bản Lưu Quang Vũ vẫn “vào” một cách nhuần nhuyễn và thuyết phục. Vì thế, kịch bản của ông thường được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng ở mọi loại hình sân khấu và được khán giả hào hứng tiếp nhận”.
Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” có lẽ là vở diễn được dàn dựng nhiều nhất, ở nhiều loại hình nhất, và cũng tạo nên được những nhân vật gắn liền tới tên tuổi nghệ sĩ, như NSND Trần Tiến vai Đế Thích, NSND Trọng Khôi vai ông hàng thịt. Như PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, vở diễn này “đã đạt đến số phận văn hóa”.
“Với một cách viết kịch bản nồng nhiệt đầy tính khai phá hiện thực như thế, Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành một hiện tượng tác giả sân khấu xuất thần của thời kỳ đổi mới, có công vực dậy một nền sân khấu khủng hoảng người xem, bởi sự thiếu vắng những kịch bản hay, ấm nóng tính thời sự và sâu sắc tính hiện đại” – PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Theo TUYẾT LOAN/nhandan.com.vn