Cập nhật: 15/09/2018 10:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong số các nhà văn trẻ, Đỗ Bích Thúy là người có những trang viết gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc nhất về đề tài miền núi, vùng cao. Chị vừa ra mắt tập tản văn “Tôi đã trở về trên núi cao”, do NXB Hội Nhà văn và Công ty Liên Việt hợp tác ấn hành.

Tác giả (ngoài cùng, bên trái) trong buổi ra mắt sách.

Đây là cuốn sách thứ 19 của nhà văn Đỗ Bích Thúy, được coi như việc nhìn lại quãng đường tác giả đi cùng với văn chương, những suy nghĩ sau 20 năm tác giả dịch chuyển từ miền núi về đô thị, với những biến động trong đời sống cá nhân và tác động của chúng lên quan niệm sáng tác của chị.

Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, hiện đang làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Các tác phẩm của chị luôn gắn liền với vùng đất nơi chị sinh ra và lớn lên: Tiểu thuyết “Chúa đất”, “Lặng yên dưới vực sâu”, các tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”…. trong đó nhiều tác phẩm đã được dựng thành phim truyện hoặc phim truyền hình.

Toàn bộ bìa sách và minh họa của cuốn sách “Tôi đã trở về trên núi cao” do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện. Đỗ Bích Thúy cho biết, đây là lần đầu tiên chị làm một cuốn sách mà có sự đồng cảm rất lớn giữa tác giả và ê kíp thực hiện.

Đến dự buổi ra mắt sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy có nhiều người nổi tiếng trong giới văn nghệ. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một người bạn văn của Đỗ Bích Thúy cho hay: “Trong quan niệm văn học của tôi, một tác phẩm văn học hay là phải truyền đạt được cảm xúc cho người đọc. Sách của Đỗ Bích Thúy nặng về tính tự truyện và tự sự, mặc dù trong này có một số bài viết chân dung và phê bình văn học, điều này bộc lộ bản ngã của người cầm bút”.

Nói về “Tôi đã trở về trên núi cao”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, cuốn sách như một sự “giác ngộ” của Đỗ Bích Thúy, nhìn lại rất nhiều vấn đề trong cuộc đời mình, với rất nhiều chiêm nghiệm. Sách nhiều chi tiết, nhưng không phải tác giả đưa ra những chi tiết dữ dội để thu hút bạn đọc, mà những chi tiết ở đây như những cơn gió thoảng. Sách cũng có nhiều nhân vật, những vùng đất mới hay quê hương cũng hiện lên như những nhân vật. Có những tạp bút giống như truyện ngắn. Nhà văn cho rằng, bút pháp của Đỗ Bích Thúy uyển chuyển, dung dị trong từng câu chữ, gửi gắm tình cảm, tình yêu quê hương và quan niệm sống rất rõ ràng.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại chia sẻ lý do có mặt tại buổi ra mắt sách một cách hết sức tình cờ: “Tôi không phải là người hay nghiên cứu về văn học, nhưng tôi rất ấn tượng chị Đỗ Bích Thúy là một nhà văn nữ, viết rất hay về một vùng đất có những câu chuyện kỳ ảo. Ấn tượng từ “Chúa đất” với một câu chuyện tình yêu bi thương, nhiều nước mắt, đến mức khi nghe nói “Tôi đã trở về trên núi cao” ra mắt, tôi đã nghĩ đến một tiểu thuyết mà các nhân vật được nhà văn nhấn chìm trong một câu chuyện tình tuyệt vọng thảm sầu nào đó. Thế nhưng, tình cờ trong một buổi đi bộ ở Hồ Gươm, tôi đã rẽ vào mua cuốn sách về đọc, và tôi rất ấn tượng với hình ảnh cha của tác giả - được đề cập đến trong sách. Vì thế, tôi đã đến dự buổi ra mắt sách, với hy vọng có thể gặp bác – người đã tự tay đẽo những đôi guốc mộc cho chị”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, Đỗ Bích Thúy có thế mạnh trong viết tản văn: “Tôi chưa khi nào đọc nhiều tản văn tập hợp trong cùng một lúc đến như vậy”. Nữ đạo diễn cho rằng, trong vòng khoảng 5-7 năm trở lại đây, văn chương chưa có cuốn nào đem lại nhiều cảm giác như “Tôi đã trở về trên núi cao”, đưa người đọc đến tận cùng cảm xúc của người viết, mà đây là cảm xúc từ một cuốn tản văn chứ không phải là tiểu thuyết như thông thường.

“Cuốn sách này là một cuốn sách đẹp đẽ, lãng mạn và ngập tràn linh khí của nơi mà chị trở về” – Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Theo TUYẾT LOAN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm