Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế-xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết.
Ảnh minh họa
Sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như Việt Nam, được coi là phương tiện giao tiếp xã hội. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực. Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ gây ra các tác động đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế và cần có cơ chế quản lý khác với các hàng hóa thông thường theo hướng phòng ngừa, hạn chế tác hại ngay từ khi con người tiếp cận sản phẩm này.
Căn nguyên của nhiều loại hình bệnh tật
Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh đã có từ rượu như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…), là một trong 4 yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm.
Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: Gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tuỵ, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai; suy giảm miễn dịch…
Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra.
Báo cáo về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam và 36,2% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam là do sử dụng rượu, bia; 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. Bên cạnh đó, tổn hại sức khỏe do ngộ độc rượu, bia trong đó có rượu, bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, rượu, bia cũng gây những tác hại, tác động tiêu cực đến gia đình và xã hội. Nếu so với hút thuốc lá thì các hệ luỵ về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: Tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Gánh nặng cho gia đình và xã hội
Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Theo Nghiên cứu của WHO phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trên 14.990 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện tại 6 tỉnh thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50 mg/dl), 63,4% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0 mg/dl). Thông tin từ Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong 4 ngày tết Mậu Tuất 2018 có gần 500 ca tai nạn giao thông nhập viện, trong đó hơn 60% có liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất.
Tình trạng người dân ở các khu vực kém phát triển hơn uống rượu, bia ở mức có hại hiện nay là yếu tố nguy cơ có thể góp phần gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người lớn đối với trẻ em được ghi nhận phổ biến hơn ở các hộ gia đình ở nông thôn, thu nhập thấp và có người sử dụng nhiều rượu, bia. Phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia, trong đó người dân tộc thiểu số chịu hậu quả cao gấp 3 đến 4 lần so với người Kinh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, sử dụng rượu, bia có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm.
Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Số liệu từ Đức - nước tiêu thụ rượu, bia đứng thứ 9 trên toàn cầu cho thấy, thiệt hại do rượu, bia gây ra hằng năm khoảng 20 tỷ Euro (trong khi doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất rượu, bia là 17 tỷ Euro và số nộp ngân sách là 3,5 tỷ Euro).
Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD. Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí y tế trực tiếp cho người bệnh mắc các rối loạn tâm thần do rượu từ 500.000- 1.000.000đ/ngày. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).
Tình hình sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng nhanh
Các kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, thể hiện qua 3 tiêu chí là: Mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới. Tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và Tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.
Về mức tiêu thụ, nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít; theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít, lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh và cao hơn từ rượu (mỗi năm sản lượng bia tăng thêm 250 triệu lít; năm 2017 người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu - tương đương 72 triệu lít cồn nhưng tiêu thụ tới gần 4,1 tỷ lít bia - tương đương với 161 triệu lít cồn, bình quân mỗi người dân đã tiêu thụ khoảng 42 lít bia).
Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội với giới trẻ. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.
Tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại rất đáng lưu tâm. Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%). Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn. Tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng 74,3%, trong đó còn tình trạng người dân dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu.
Hiện việc quản lý kinh doanh rượu, bia đã thực hiện tương đối đầy đủ với hoạt động bán buôn, phân phối và các đại lý bán lẻ, có giấy phép nhưng việc cấp phép, quản lý bán lẻ rượu trực tiếp đến người tiêu dùng tại chỗ theo quy định của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP còn nhiều khó khăn. Bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người dân như: Các quán rượu, siêu thị, cửa hàng tạp hoá, khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống, quán nước vỉa hè, căng tin của các cơ quan, doanh nghiệp… Thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Điều này làm cho rượu, bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận.
Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bia vẫn chưa được kiểm soát bằng các quy định pháp luật; quảng cáo, bán rượu, bia trên mạng xã hội nhiều, chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên; quảng cáo bia diễn ra phổ biến, tần xuất cao, quảng cáo nhiều trong các giờ vàng, buổi tối trên sóng truyền hình, phát thanh. Thực trạng này đã dẫn đến việc quảng bá, thúc đẩy sử dụng rượu, bia và gia tăng số thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia.
“Việc phòng chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Việc ban hành Luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia./.
Theo Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn