Từ quốc lộ 21B, đi thêm một quãng đường dài nữa, chúng tôi mới tới được thôn Đàn Viên, xã Cao Viên của huyện Thanh Oai, nơi hiện nay được cho là duy nhất ở Hà Nội còn sản xuất đèn kéo quân. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, đang ngồi trau chuốt lại những chiếc đèn, món đồ chơi lưu giữ tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Các bạn trẻ được hướng dẫn làm đèn kéo quân tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Báo Du lịch
Mai một các trò chơi dân gian
Gần Tết Trung thu, trước khi đến, chúng tôi hình dung thôn Đàn Viên sẽ tấp nập người ra vào lấy hàng, người người chở đèn vào nội đô, nhưng thay vào đó là cảm giác hụt hẫng khi càng đi vào sâu trong thôn, những gì thấy được chỉ là sự đô thị hóa bao trùm các cổng làng, thôn, xóm. Hỏi đi hỏi lại các bà, các chị bên đường, cuối cùng chúng tôi tìm được ngôi nhà ông Nguyễn Văn Quyền, nghệ nhân đã 80 tuổi, một trong hai người cuối cùng còn nặng lòng với những chiếc đèn kéo quân.
Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ không thể biết được đây là nơi sản xuất ra những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân thường thấy, bày bán ở phố cổ, trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm văn hóa Vân Hồ hay Hoàng thành Thăng Long. Chỉ đến khi được ông Quyền dẫn vào nhà, chúng tôi mới có thể cảm nhận được không khí Trung thu đang đến gần. Những chiếc đèn lồng đủ kích cỡ bày trên sàn nhà, cầu thang và tầng trên, như để khẳng định chắc chắn rằng vẫn còn người nghệ nhân hằng ngày, hằng giờ tâm huyết để làm ra chúng.
Ông Quyền tâm sự: “Tôi biết làm đèn kéo quân từ khi còn bé do bố và ông tôi dạy lại. Hồi ấy, trẻ con trong thôn, xóm hầu như đều biết tự làm đèn kéo quân để chơi Trung thu. Bây giờ, mặc dù bọn trẻ không còn mặn mà với những chiếc đèn đó nữa nhưng tôi vẫn làm, không cầu lợi nhuận, chỉ cầu vui, bởi tiền công thấp và thị trường không tiêu thụ nhiều”. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi khi xã hội ngày càng phát triển, trẻ em có quá nhiều thứ đồ chơi hấp dẫn với những thiết bị công nghệ và các trò chơi trực tuyến trên in-tơ-nét, rất khó để chúng say mê món đồ chơi dân gian truyền thống làm hoàn toàn thủ công, giản đơn như một màn diễn rối bóng tự động thu nhỏ và không cần người điều khiển.
Kể cho chúng tôi nghe tích cổ về chiếc đèn kéo quân, người nghệ nhân cao tuổi như chìm đắm trong hoài niệm: Năm xưa, gần đến dịp Tết Trung thu, theo lệnh vua, dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý. Bấy giờ, có một chàng trai nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ở với mẹ rất hiếu thảo. Lục Đức nằm mơ thấy một vị thần hướng dẫn cách làm chiếc đèn dâng nhà vua. Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy mầu để làm đèn. Khi chiếc đèn làm xong, ngày rằm tháng tám cũng vừa đến. Chàng trai vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều mầu sắc lại biết chuyển động cho nên rất hài lòng. Nhà vua truyền mang đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu mầu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả hình nhân vật trên đèn đều được làm bằng giấy. Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau làm những chiếc đèn mầu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.
Thời điểm những năm 90 của thế kỷ 20 trở về trước, đèn kéo quân là món đồ chơi được trẻ em háo hức chờ đợi vào mỗi dịp Tết Trung thu, còn bây giờ, các sản phẩm đèn của thôn Đàn Viên tiêu thụ rất chậm. Ông Quyền chia sẻ, với một chiếc đèn kéo quân cỡ nhỏ, nếu tính cả vốn, nguyên vật liệu và công sức làm trong khoảng tám giờ, giá bán chỉ được khoảng từ 100 đến 120 nghìn đồng. Vất vả là thế nhưng khi làm ra, những chiếc đèn kéo quân hầu như chỉ trưng bày là chủ yếu, chứ không phải để bán.
Lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống
Đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù, khi thắp nến lên thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại. Loại đèn này có thể làm theo quy cách ngoài vuông trong tròn. Theo ông Quyền, đèn có thể có bốn mặt hoặc sáu mặt. Bốn mặt tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu gồm bố mẹ mình, bố mẹ chồng (vợ); loại đèn sáu mặt là tượng trưng cho lục thân phụ mẫu (thêm bố mẹ nuôi) hoặc cũng có thể tượng trưng sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, hờn, buồn, vui.
Mặt ngoài của đèn được dán giấy bóng kính hoặc giấy can như bốn màn ảnh hoặc có thể bằng vải mỏng. Bên trong đèn, chính giữa là trục thẳng đứng làm bằng một thanh tre, vót tròn, chốt bằng hai kim nhọn hai đầu. Trục dài ngắn tùy thuộc kích thước đèn cao thấp, có thể từ 50 đến 60 cm hoặc cao hơn. Chung quanh trục đèn là những vòng trụ giấy dán nội dung của chiếc đèn như hình người, con vật, cảnh vật,... được sắp xếp, gá buộc thành nhiều tầng gọi là các tầng đèn. Ðể chiếc đèn có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến bốn, năm tầng. Ông Quyền cho biết, trước đây, quân chạy tượng trưng cho sĩ, nông, công, thương, còn bây giờ, quân chạy là hình người, con vật hợp với thời đại hơn.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền.
Do trục trơn và các hình nhẹ cho nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong khiến không khí giãn nở và tăng thể tích, đồng thời khối lượng riêng của khí giảm. Khí nóng nhẹ bay lên va vào vòng trụ sẽ làm cho đèn quay. Luồng không khí bên ngoài nặng hơn luồng vào tiếp tục được đốt nóng, bay lên tạo thành dòng đối lưu trong không khí làm đèn tiếp tục quay. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm thành công một chiếc đèn cũng phải nắm chắc lý thuyết vật lý. Khi dựng trục cần xác định chính xác phương thẳng đứng sao cho chỉ cần một chiếc nến nhỏ thắp lên cũng có thể khiến cho chiếc đèn quay được.
Từng là một thầy giáo dạy môn Văn cấp 2 trước đây, ông Quyền cho biết thêm, việc làm ra một chiếc đèn đối với con trẻ có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Ngoài ý nghĩa nhân văn của câu chuyện về sự ra đời của chiếc đèn, khi làm chiếc đèn kéo quân có thể rèn cho trẻ tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và sáng tạo. Cũng vì thế mà trong dân gian đã có bài hát: “Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù/ Ngựa giấy í a voi giấy, tít mù nó mới lại vòng quanh/ Ớ ơ bao giờ ta mới bắt cho kịp nhau/ Ngựa giấy ới a voi giấy vòng quanh ới a tít mù, tít mù là/ Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù/ Đèn cù là đèn cù ớ hỡi đèn, đèn ơi...”.
Tâm huyết với nghề, vì thế, mỗi dịp Trung thu, ông Quyền lại xuất hiện ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hoặc Trung tâm triển lãm Vân Hồ để hướng dẫn cho những bạn trẻ muốn tìm hiểu nguồn gốc và cách làm đèn kéo quân, cũng như nhiều trò chơi dân gian khác mà ông thông hiểu. Ngoài ra, ông còn được một số trường học mời về hướng dẫn cho các em học sinh chơi và làm nhiều trò chơi dân gian. Ông mong rằng có thể truyền đạt những hiểu biết của mình cho những ai quan tâm và có ý thức giữ gìn văn hóa dân gian. Thêm một người biết là thêm một cơ hội để lưu giữ một nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền bên những chiếc đèn kéo quân. Ảnh: NGUYỄN PHƯỢNG
Ở tuổi 80, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn làm đèn khi có đơn đặt hàng. Cho dù thị trường khó tiêu thụ và ông không tiếp thị hay rao bán trên mạng xã hội, nhưng vẫn có những người tìm đến thôn Đàn Viên, tìm đến ông nếu họ cần một chiếc đèn đẹp để trưng bày hoặc treo trong nhà.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đưa ông Nguyễn Văn Quyền vào danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhưng lại với nghệ thuật trình diễn và làm sáo diều, thay vì đèn kéo quân. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của ông Quyền là hỗ trợ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hoàn thành cuốn sách viết về những trò chơi dân gian như một cách để gìn giữ nghề truyền thống không bị mai một.
NGỌC ĐINH và MẠNH HÀO
Theo nhandan.com.vn