Cập nhật: 19/09/2018 13:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lựa chọn những giải pháp, mô hình liên kết, những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển và tăng chuỗi giá trị sản xuất thủ công mỹ nghệ... là những nội dung cơ bản của Hội thảo “Hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị phát triển ngành thủ công mỹ nghệ” do Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu làng nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vừa tổ chức.

Một sản phẩm điêu khắc từ gỗ

Khi nghề thủ công mỹ nghệ tự “bơi” trong thị trường

Đề dẫn hội thảo, bà Thái Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu làng nghề đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) còn bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn như: Đa số các cơ sở sản xuất hàng TCMN quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Việc tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm còn hạn chế, mức độ cơ khí hóa để tăng năng suất lao động rất yếu… Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt phải đẩy mạnh việc liên kết, liên doanh xây dựng chuỗi giá trị (từ khâu sản xuất đến tiêu thụ) có ý nghĩa sống còn với ngành hàng này…

Ông Đặng Huy, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ, theo một nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc, nhiều năm qua sản phẩm của làng nghề này mới dừng lại một số mẫu mã cố định, chưa có sự thay đổi rõ rệt, nổi trội. Trong khi đó, khách hàng thường xuyên yêu cầu mẫu mã mới mà bản thân mỗi cơ sở sản xuất riêng lẻ trong làng chỉ đáp ứng được một phần. Khi cần làm số lượng lớn thì năng lực hộ cá nhân không đủ, nếu huy động nhiều nghệ nhân khác tham gia cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có gần 5.500 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động và tạo ra khối lượng sản phẩm giá trị hàng hóa hàng chục nghìn tỉ đồng. Tiềm năng lớn như thế song các làng nghề vẫn chưa phát huy hết năng lực, tiềm năng của mình, chưa có sự liên kết trong các làng nghề trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, các làng nghề đang phát triển mà thiếu sự liên kết từ trên xuống dưới. Trên là các Bộ, ngành; mỗi Bộ, ngành chỉ quan tâm đến làng nghề ở góc độ chuyên môn riêng của mình, chưa có sự chung tay thúc đẩy làng nghề phát triển đồng bộ. Tương tự, sự thiếu liên kết diễn ra trực tiếp ở làng nghề như hộ sản xuất “đèn ai nấy rạng”, sản xuất manh mún, tiêu thụ khó khăn, đầu vào nguyên liệu tự lo...

Liên kết hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm: Giải pháp sống còn của các làng nghề

Đó là khẳng định của ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại hội thảo. Theo ông Dần, trong tình hình phát triển chung của cả nước, việc các làng nghề truyền thống phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng từ nước ngoài không còn quá xa mà hiện hữu ngay trước mặt. Vì vậy, để làng nghề phát triển ổn định cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, khoa học giữa các cá nhân, các thành viên trong làng nghề. Việc tạo ra các tổ chức, hợp tác xã kiểu mới vừa làm cầu nối giữa các cá nhân, tập thể tạo ra sự liên kết vững bền, vừa đóng vai trò tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đầu ra, vốn, nguyên liệu, quảng bá thương hiệu… là điều rất cần thiết.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nghệ nhân tại hội thảo, để ngành TCMN tháo gỡ khó khăn, giải pháp có ý nghĩa sống còn là các đơn vị sản xuất TCMN phải đẩy mạnh việc liên kết, liên doanh xây dựng chuỗi giá trị (từ khâu sản xuất đến tiêu thụ). Thực tế cho thấy, do chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên, phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ khiến thu nhập của người lao động trực tiếp thường rất thấp, khâu trung gian là khâu được hưởng lợi nhiều nhất. “Trong hoạt động sản xuất kinh doanh rất ít khi một đơn vị kinh tế có thể đảm nhận tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra cho một sản phẩm; nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay thì sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, nghệ nhân, người thợ... để phát huy thế mạnh, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh là một xu thế tất yếu”, bà Thái Hồng Nhung nhấn mạnh.

Chỉ ra nguyên nhân vì sao việc liên kết giữa các đơn vị sản xuất TCMN còn lỏng lẻo, ông Đặng Huy cho rằng, muốn thực hiện liên kết trong làng nghề trước hết cần khắc phục tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, chụp giật thông qua việc các cấp chính quyền địa phương phải có chương trình, chính sách liên kết, tạo ra các tổ chức, hợp tác xã kiểu mới. Bên cạnh đó, đây sẽ là cầu nối để tháo gỡ vấn đề đầu ra về vốn, nguyên liệu, quảng bá thương hiệu.

Còn theo luật sư Trương Quang Cẩn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành TCMN rất cần các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Hiện nay còn một số vướng mắc bất cập như phát triển vùng nguyên liệu chưa được quan tâm, đầu tư tín dụng chưa được thông thoáng, đào tạo nguồn nhân lực chưa hiệu quả, xúc tiến thương mại chưa sát với nhu cầu thực tiễn…

 QUỐC HÙNG

Theo baovanhoa.com.vn

Tệp đính kèm