Loãng xương ở tuổi mãn kinh là tình trạng thường gặp ở hầu hết phụ nữ luống tuổi. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời phối hợp với một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và làm việc đúng mức là rất cần thiết nhằm tránh những hậu quả bất lợi của loãng xương, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài sự trẻ trung và tuổi thọ cho mỗi người.
Bước sang tuổi 50, đa số phụ nữ cảm nhận có nhiều bất ổn trong cơ thể như: cơn bốc hỏa, đau nhức xương khớp, rối loạn giấc ngủ, kém tập trung trong công việc... Có một thay đổi quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống nhưng diễn tiến âm thầm, thường bị bỏ sót đến khi xảy ra biến chứng mới được phát hiện - đó là loãng xương. Loãng xương là bệnh có đặc điểm tổn thương cấu trúc vi thể của xương, giảm khối lượng xương làm xương yếu và dễ dẫn đến gãy xương. Loãng xương sau mãn kinh ở nữ giới là tiến trình tự nhiên theo tuổi tác ở đời sống con người nhưng diễn tiến nhanh do thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ (estrogen) ở tuổi mãn kinh.
Thường xuyên tập những bài tập giúp cơ thể tăng bền như đi bộ, thái cực quyền có thể giúp bảo vệ xương.
Ảnh hưởng của nội tiết tố nữ đối với loãng xương
Trong suốt cuộc đời, khối lượng xương thay đổi qua 3 giai đoạn:
Từ nhỏ đến 30 tuổi: sự tạo xương làm khối lượng xương tăng và đạt đến đỉnh khối xương. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành lập đỉnh khối xương là giới tính, chủng tộc, di truyền, hoạt động thể lực và chế độ dinh dưỡng (đặc biệt là protein và calcium).
Từ 30-50 tuổi: khối lượng xương bị giảm chậm, liên quan đến tuổi và diễn ra cùng tốc độ giữa hai phái.
Sau 50 tuổi: là giai đoạn mất xương nhanh hơn. Đặc biệt ở nữ giới, giảm 1-1,5% khối lượng xương mỗi năm (trong những năm đầu tiếp theo mãn kinh, từ 50 tới 60 tuổi) do sự thiếu hụt estrogen tương đối đột ngột vì buồng trứng giảm sản xuất. Sau 60 tuổi, tốc độ mất xương ở nam và nữ như nhau. Thiếu estrogen gây giảm hoạt động của tế bào tạo xương, giảm chất cơ bản (protein) của xương, giảm tích tụ calcium và photphate trong xương. Từ đó dẫn đến loãng xương.
Biểu hiện muộn
Những biểu hiện của loãng xương thường khá muộn. Những dấu hiệu đầu tiên thường là đau những vùng xương chịu áp lực của trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc ngồi lâu như: xương gót, đầu dưới hoặc trên xương chày của cẳng chân hoặc cột sống thắt lưng và cột sống cổ... Hậu quả của loãng xương có thể là: gãy đầu dưới xương cẳng tay, gãy xương hông và lún xẹp đốt sống (chiếm 50% các loại gãy và chiếm 25% số người trên 70 tuổi). Phụ nữ sau mãn kinh có thể bị thấp đi 6,4cm và hình ảnh của lún đốt sống có thể là gù, còng lưng và vẹo cột sống.
Cần làm gì khi bị loãng xương?
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời phối hợp với một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và làm việc đúng mức là rất cần thiết nhằm tránh những hậu quả bất lợi của loãng xương, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài sự trẻ trung và tuổi thọ cho mỗi người. Sinh hoạt năng động, tập thể dục thường xuyên, phơi nắng... Trong khi làm việc nên tránh những việc ngồi hoặc đứng quá lâu hoặc những tư thế làm việc bất lợi cho bộ xương như ngồi xổm, đứng khom lưng... Thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc. Tránh những công việc khuân vác nặng nhọc. Cần có sự hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ khi sử dụng thuốc. Có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp các nhóm để ức chế sự tiêu xương và tăng khối lượng xương. Bổ sung calcium và vitamin D. Liệu pháp thay thế hormon có thể áp dụng cho phụ nữ mãn kinh, có tác dụng tăng mật độ xương đáng kể (tăng 3,5-5% ở xương sống sau 3 năm điều trị). Tuy nhiên, cần lưu ý đặc biệt đến tác dụng phụ của thuốc (bệnh tim mạch, nguy cơ ung thư vú...) và nhất thiết phải có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
Các biện pháp phòng ngừa
Khối lượng xương chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, có những yếu tố không thể thay đổi được như phái tính, chủng tộc, di truyền, tuổi. Ngược lại, những yếu tố có thể thay đổi được là rất quan trọng vì có thể giúp chúng ta phòng được bệnh:
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng nhiều đến khối lượng xương, đặc biệt là protein và calcium.
Hoạt động thể lực nhiều làm khối lượng xương tăng và ngược lại.
Các bệnh về nội tiết (bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, thượng thận...), bệnh đường tiêu hóa (loét dạ dày tá tràng, bệnh gan, hội chứng kém hấp thu...). Kiểm soát tốt các bệnh này sẽ làm chậm tốc độ loãng xương.
Thói quen sinh hoạt ít ra nắng, nghiện rượu, cafe, thuốc lá... làm tăng mất xương hơn.
Sử dụng dài ngày một số thuốc chứa corticoid làm tăng mất xương.
Để phòng ngừa loãng xương, chúng ta cần tác động vào những yếu tố thay đổi được theo chiều hướng tăng tạo xương.
Tăng tạo đỉnh khối xương ở tuổi dậy thì: dinh dưỡng đủ calcium và protein, năng vận động thể lực, tắm nắng, duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng...
Chậm mất xương ở tuổi trung niên: siêng tập thể dục, dinh dưỡng đủ, tránh thói quen có hại (nghiện rượu, thuốc lá, cafe...), điều trị kịp thời các bệnh gây loãng xương...
BS. Kim Chung
Theo suckhoedoisong.vn