Xóa bỏ độc quyền biên soạn, phát hành SGK là xu thế tất yếu nhưng việc huy động nhiều nơi bỏ ra hàng chục tỷ đồng để làm sách không hề dễ dàng.
Thông tin Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã phải sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ cho hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) mỗi năm trên dưới 40 tỷ đồng và thông tin mỗi năm, phụ huynh phải bỏ 1.000 tỷ mua SGK nhưng chỉ dùng một lần đã khiến dư luận xã hội lo ngại về sự lãng phí ngân sách Nhà nước và nhân dân.
Để xóa bỏ độc quyền biên soạn, phát hành SGK, chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới có đề cập đến việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia công tác này. Thế nhưng, để khuyến khích các cơ sở, nhà xuất bản cùng biên soạn, phát hành SGK không phải là dễ dàng.
Doanh thu và lợi nhuận bán SGK của NXB Giáo dục Việt Nam từ năm 2015-2017
Đơn vị tư nhân bỏ ra hàng chục tỷ đồng biên soạn SGK không dễ dàng
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, trước đây khi bàn về Nghị định 75 triển khai Luật Giáo dục năm 2005, nhóm soạn thảo đã đưa một điều khoản về xuất bản SGK vào nghị định. Tuy nhiên, sau khi bàn đi tính lại, quy định này không được đưa vào nghị định vì sợ không khả thi. Đó là xóa bỏ độc quyền biên soạn, phát hành SGK là xu thế tất yếu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào kiểm soát được thị trường và có bao nhiêu NXB sẵn sàng tham gia thị trường xuất bản SGK.
Liệu có đơn vị, tư nhân nào dám bỏ ra hàng chục tỉ đồng để biên soạn SGK khi rủi ro là có thật. Chỉ cần hội đồng thẩm định không đồng ý thì họ có thể “mất cả chì lẫn chài”.
Chúng ta huy động được các NXB khác tham gia vào việc biên soạn SGK thì rất tốt và sẽ không còn tình trạng độc quyền. Thế nhưng, điều này không phải dễ dàng.
Từ ngày thành lập năm 1957 đến năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản SGK. Như vậy, trong một thời gian dài, NXB Giáo dục Việt Nam đã được độc quyền xuất bản SGK. Sách của NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã được thẩm định rất kỹ lưỡng qua thời gian.
Còn sắp tới, chúng ta sẽ có nhiều bộ SGK nhưng không phải là sách nào cũng có thể giảng dạy ngay được mà cần phải được thẩm định, sàng lọc kỹ lưỡng. Vì vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta vẫn phải để Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK song song với việc huy động các NXB, đơn vị khác cùng làm.
Để kêu gọi nhiều nơi bỏ ra hàng chục tỷ đồng biên soạn SGK không dễ dàng nên vẫn cần Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK (ảnh minh họa)
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng nêu quan điểm, để tiết kiệm ngân sách Nhà nước và nhân dân đối với việc in ấn, phát hành SGK cũng cần xem lại công đoạn phát hành, in ấn, chiết khấu SGK cũng như việc hạn chế thay đổi nội dung trong sách, kêu gọi sử dụng SGK cũ. Điều này được đưa ra khi việc cung ứng SGK về nhà trường đang mở rộng thì chắc chắn sẽ có thỏa thuận chiết khấu, hưởng hoa hồng giữa công ty phát hành sách và trường học.
Nếu sách được bán về nhà trường thì chắc chắn phụ huynh sẽ được khuyến khích mua sách mới có đóng gói với rất nhiều sách tham khảo, bài tập. Như vậy, hầu như phụ huynh nào cũng mua cả bộ sách đó cho con mà không thể sử dụng được SGK cũ từ những năm trước.
Để thị trường điều tiết giá cả nhưng vẫn phải có sự kiểm soát
Không lo ngại về việc liệu sẽ có bao nhiêu nhà xuất bản, đơn vị tư nhân sẽ không mạnh dạn bỏ ra hàng chục tỷ đồng để biên soạn, phát hành SGK, chuyên gia giáo dục Lê Viết Khuyến cho rằng, từ trước đến nay, chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam độc quyền biên soạn SGK nên đã có chuyện cố gắng để được trúng thầu.
Việc phát hành bao nhiêu bộ SGK ra thị trường cần sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thẩm định (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, hiện nay, việc chọn đơn vị nào trúng thầu có thể xảy ra tiêu cực mà không kiểm soát được. Hơn nữa, nếu chỉ có một nơi biên soạn SGK thì ngân sách Nhà nước phải bao cấp, hỗ trợ còn rất lớn. Những điều này cũng sẽ gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước nếu có sự thua lỗ. Vì vậy, cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền biên soạn SGK.
Theo ông Lê Viết Khuyến, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ góp phần giảm kinh phí của của Nhà nước phải bao cấp cho việc in ấn SGK.
Nhiều nhà xuất bản, đơn vị được phép biên soạn, phát hành SGK sẽ góp phần chống độc quyền. Họ phải cạnh tranh về chất lượng nội dung, giá cả để biên soạn những bộ sách phục vụ các nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Ví dụ như có sách vẫn cho học sinh làm bài tập luôn vào đó để phục vụ học sinh có nhu cầu. Ngoài ra, có sách sử dụng được lâu dài, học sinh năm sau có thể sử dụng được sách của học sinh năm trước, không thể viết, làm bài tập vào đó được.
Còn việc có bao nhiêu loại sách đảm bảo chất lượng được in ra thị trường phục vụ học sinh thì Bộ GD-ĐT và Hội đồng thẩm định SGK cũng như các đơn vị liên quan sẽ có trách nhiệm thẩm định, giám sát.
Đối với việc lựa chọn sách của nhà xuất bản nào thì nên cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện để đảm bảo sách được lựa chọn vì người học. Tuy nhiên, cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ tránh hiện tượng nhà trường vì lợi nhuận hoa hồng mà chọn lựa sách không đảm bảo chất lượng./.
Theo Bích Lan/VOV.VN